Vụ lộn xộn trước cổng TAND TP Thủ Dầu Một khi phiên tòa liên quan bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Công ty Đại Nam) đang diễn ra hôm 29-12 khiến dư luận bức xúc. Vụ lộn xộn là một tiền lệ nguy hiểm ngay trước cổng “công đường” đòi hỏi sự quyết liệt điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã yêu cầu Công an TP Thủ Dầu Một báo cáo vụ việc để có hướng xử lý. Trong khi chờ kết quả từ các ngành chức năng, có thể mô tả cảm nhận ban đầu về vụ việc gây xôn xao dư luận lần này bằng hai từ: Nguy hiểm!
Một người đàn ông vừa có lời được cho là không ủng hộ bà Hằng liền bị vây và tấn công. Ảnh: YOUTUBE
Điều nguy hiểm thứ nhất là báo chí có dấu hiệu bị các youtuber và một số cá nhân cản trở tác nghiệp. Trong công văn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Hội Nhà báo Việt Nam tại tỉnh này đề nghị xác minh “việc một số phóng viên báo chí bị xúc phạm danh dự, đe dọa hành hung, cản trở hoạt động trong quá trình tác nghiệp về phiên toà”.
Các đoạn video và hình ảnh hiện trường cũng cho thấy một số cá nhân có hành vi quá khích, chửi bới, nhục mạ, đe dọa các phóng viên; thậm chí tấn công “người không ủng hộ bà Hằng”. Vì vậy, đề nghị từ phía Hội Nhà báo đối với các ngành chức năng Bình Dương là hợp lý, cấp thiết và cần được trả lời một cách thỏa đáng.
Điều nguy hiểm thứ hai là tính manh động, quá khích của nhiều người, trong đó có các youtuber lại ngang nhiên diễn ra ngay trước cổng “công đường”, nơi có rất nhiều công an chứng kiến và nỗ lực kiểm soát an ninh-trật tự. Việc tụ tập gây cản trở giao thông; việc hò hét to tiếng, chửi bới, nhục mạ và thậm chí có dấu hiệu bạo lực gây mất trật tự an toàn xã hội, làm bất an cả người dân lẫn giới báo đài, có thể gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bên trong phiên tòa.
Sự lộn xộn này, nếu không được xem xét, điều tra và xử lý nghiêm, sẽ tạo ra những tiền lệ cho việc “làm loạn trước cổng công đường” sau này; đặt dấu chấm hỏi về tính quyết liệt và năng lực đảm bảo trị an của các cơ quan liên quan.
Một số phóng viên dù được lực lượng chức năng hỗ trợ nhưng vẫn bị nhóm người theo sát bao vây, chửi rủa. Ảnh: YOUTUBE
Cuối cùng, tính đúng-sai, thật-giả của các sự kiện liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng sau hàng loạt các vụ tố cáo, kiện tụng đối với bà Hằng vẫn còn dang dở trên bàn các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, tâm lý ủng hộ hay không ủng hộ bà Phương Hằng vẫn là quyền tự do cá nhân. Việc đe dọa, tấn công, nhục mạ những người bày tỏ quan điểm trái chiều với bà Hằng vừa là hành vi sai trái, vừa tạo ra không khí chia rẽ trong cộng đồng. Đáng nói hơn, những hành vi đó còn được các youtuber tìm cách lan tỏa một cách mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, tạo ra một không gian thù hận, độc hại.
Liên quan đến bà Phương Hằng vẫn còn nhiều vụ kiện tụng, tố cáo từ cả phía bà Hằng và những cá nhân khác. Có thể sẽ còn nhiều phiên tòa, và vì thế công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực công đường phải được siết chặt.
Trước hết, phải đảm bảo rằng: Bất kỳ ai gây náo loạn, bất an, ảnh hưởng đến quyền tự do tác nghiệp, thân thể, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm… của người khác phải bị trừng trị đích đáng.
(PLO)- Tại một phiên tòa hình sự xét xử một vụ án mà bà Nguyễn Phương Hằng là bị hại, một số phóng viên bị các youtuber tấn công trước mặt công an.