Như đã phản ánh ngày 1-11, TAND tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm đã tuyên sửa án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Innova) từ 10 năm tù xuống còn chín năm tù. Bị cáo Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) từ tám năm tù xuống còn sáu năm tù cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ngay sau đó dư luận đã phản ứng cho rằng việc tòa kết tội bị cáo Hoàng như thế là vội vàng.
Sẽ rà soát, kiểm tra lại bản án
Ngày 4-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay ông biết dư luận và báo chí bàn nhiều việc kết án đối với tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng. Ông Bình nói: “Tôi có theo dõi công luận, báo chí cũng như mạng xã hội bình luận. Tôi sẽ cho rà soát, kiểm tra lại về bản án này”. Cũng theo Chánh án Bình, thẩm phán chủ tọa phiên xử phúc thẩm không phải là người đã dùng bằng giả mà báo chí nêu gần đây, bởi người đó đã bị đình chỉ công tác.
Phía TAND tỉnh Thái Nguyên cho biết thông tin trên mạng cho rằng cựu thẩm phán Nguyễn Thị Nga có trong HĐXX phúc thẩm là không chính xác. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử thì chủ tọa phiên tòa là bà Lê Thị Hồng Phương, trong thành phần HĐXX cũng không có ai tên là Nguyễn Thị Nga.
Trao đổi với PV, chị Vũ Thị Thúy (vợ tài xế Hoàng) cùng gia đình cho biết rất không đồng tình với bản án phúc thẩm. Chị Thúy nói: “Gần hai năm chờ đợi, tôi nghĩ bản án phúc thẩm sẽ khả quan hơn và mong chủ tọa phiên tòa sẽ xử đúng người, đúng tội. Thế nhưng tôi thấy bản án dành cho chồng chưa công tâm, chưa khách quan và tôi không phục. Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để tòa cấp trên xem xét giám đốc thẩm”.
Trước đó, ngay khi chủ tọa đọc bản án về phần án hình sự vừa dứt lời thì bị cáo Hoàng đứng bật dậy nói không đồng tình. Chị Thúy và những người trong gia đình cùng hàng chục tài xế cũng tỏ ra rất bức xúc về phán quyết của tòa dù chồng chị được giảm án hai năm tù.
Chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại với lãnh đạo TAND tỉnh Thái Nguyên với mong muốn được gặp để trao đổi những vấn đề dư luận quan tâm nhưng đều không nhận được hồi âm.
Bị cáo Hoàng bật khóc khi nói lời sau cùng tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Kết án là vội vàng
Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, tài xế Hoàng bị cáo buộc hai lỗi: Không tuân thủ quy định về tốc độ và không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước; không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép khi gặp chướng ngại vật.
Tuy nhiên, thực tế thì xe đã chạy đúng tốc độ cho phép, tuyến cao tốc này cho phép tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ thì Hoàng đã chạy 62 km/giờ. Còn việc giữ khoảng cách với xe liền trước là không thể vì xe này đang đi lùi. Hiểu cách khác là xe sau chỉ có thể giữ khoảng cách với xe đang đi cùng chiều, không thể nói thấy xe trước lùi thì xe sau cũng phải đi lùi để giữ khoảng cách an toàn.
Theo vị thẩm phán, phải xác định được điểm đụng của hai xe thì mới xác định được lỗi chính xác. Nếu đúng như Hoàng trình bày là khi thấy xe Innova từ xa, bị cáo đã dời chân ga sang chân phanh thì bị cáo không có tội. Bởi hành động này là đã giảm tốc độ xe, đây được xem là tình huống bất ngờ, được loại trừ trách nhiệm hình sự theo BLHS. Còn nếu Hoàng thấy xe Innova lùi nhưng không giảm tốc độ, dẫn đến xử lý không kịp thì đây là lỗi hỗn hợp.
Muốn làm được việc này thì phải thực nghiệm điều tra. Nếu kết quả cho thấy Hoàng đã thắng xe nhưng vẫn không tránh được tai nạn thì bị cáo không có lỗi và không có tội.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng phán quyết của tòa phúc thẩm kết tội tài xế Hoàng khiến nhiều người không đồng thuận. Vì xe container chở 30 tấn thép đi trên cao tốc với tốc độ 62 km/giờ là mức an toàn. Trong khi xe Innova đang chở quá số người quy định, tài xế đầy mùi rượu và chạy lùi với tốc độ 20 km/giờ va chạm với nhau. Muốn hay không thì CQĐT cũng phải làm rõ việc va chạm bằng thực nghiệm điều tra thì mới xác định được lỗi của các bên. Chưa thực nghiệm điều tra mà đã kết luận tài xế Hoàng có lỗi nghiêm trọng là chưa khách quan toàn diện, chưa đủ căn cứ khoa học.
“Trong tình huống này, đòi hỏi tài xế Hoàng phải xử lý với nguyên tắc ba giây. Nếu phanh gấp thì khả năng toàn bộ số thép ở thùng xe sẽ lao về phía trước hoặc xe phía sau lao vào đuôi xe container. Còn nếu đánh lái sang trái gặp xe đang vượt thì có nguy cơ cao gây tai nạn thảm khốc. Tòa án máy móc khi lập luận với tốc độ 62 km/giờ thì bị cáo phải quan sát và xử lý được tình huống này, đó là nhận định chủ quan rất khiên cưỡng” - LS Quynh nói.
Theo LS Quynh, người có thẩm quyền cần kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ và phúc thẩm. Khi điều tra lại, CQĐT cần thực nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định khoa học vật lý để làm rõ cơ cấu va chạm dẫn tới vụ tai nạn. Từ kết quả điều tra khoa học, đầy đủ sẽ giúp cho tòa xét xử có căn cứ, công tâm, không làm oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm.
Tài xế xe Innova phải chịu trách nhiệm Tôi thấy tài xế Hoàng không có lỗi vì chấp hành các quy định như không chạy quá tốc độ, không chạy sai làn, không vi phạm tải trọng, không sử dụng rượu bia. Là người lái xe trên cao tốc thường xuyên, tôi vô cùng bất bình với hành vi của tài xế xe Innova vì thiếu hiểu biết, coi thường tính mạng người khác. Vì thế anh ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn này. Mong cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án để bảo vệ tài xế Hoàng. Tài xế VIỆT HOÀNG, TP Hà Nội Nguyên tắc thắng xe container Các xe container có khối lượng rất lớn (kể cả khi chạy không tải) nên khi ở tốc độ cao mà dùng thắng thì phải mất một quãng dài thì mới có thể dừng lại hẳn do lực quán tính. Hệ thống thắng khí xả sẽ hỗ trợ cho hệ thống khí nén trong việc kìm hãm chuyển động của động cơ. Lực cản này sẽ làm cho tốc độ của xe bị chậm lại rồi mới dừng lại. Do đó, yêu cầu ngay sau khi thắng xe sẽ dừng lại ngay là không thể. Tài xế MAI TRƯỜNG GIANG, Chợ Mới, An Giang |
Tài xế Hoàng đã làm hết khả năng
LS Giang Hồng Thanh (người bào chữa cho bị cáo Hoàng) cho rằng hồ sơ thể hiện Hoàng đã thực hiện hết khả năng của mình. Vì Hoàng đang chạy với tốc độ 62 km/giờ đúng với tốc độ cho phép và giữ khoảng cách với xe Innova đúng quy định là 60-70 m. Nhưng xe Innova đã chạy lùi thì không thể buộc xe của Hoàng phải giữ một khoảng cách an toàn vì nếu muốn đáp ứng điều này, xe của Hoàng chỉ còn cách là chạy lùi. Không ai có thể giữ được khoảng cách an toàn đối với xe đi ngược về phía mình. Khi phát hiện xe Innova đi lùi, Hoàng đã phanh “chết” khiến vết bánh xe lết trên mặt đường dài 48 m.
Theo LS Thanh, điều quan trọng nhất trong vụ án là phải xác định vị trí và tốc độ khi xảy ra va chạm giữa hai xe. Nhưng cấp sơ thẩm không thống nhất trong việc xác định xe của Hoàng đâm xe của Sơn rồi đẩy đi bao xa, khi thì khoảng 10 m, khi lại 38 m hoặc có khi là 30 m. Ngoài ra, cơ quan tố tụng cho rằng xe của Hoàng đâm xe Innova rồi mới phanh chứ không phải phanh rồi mới đâm. Nhưng các bản ảnh hiện trường cho thấy vị trí hai xe va chạm chính là nơi xe Innova bắt đầu lùi chéo từ làn khẩn cấp ra làn giữa của cao tốc. Tức là xe của bị cáo Hoàng phanh trước khi đâm vào xe Innova. Sau khi va chạm với xe đầu kéo, xe Innova bị xe đầu kéo đẩy tiến về phía bên phải, đâm vào hàng rào tôn lượn sóng mép phải đường cao tốc. Hơn nữa, vết trượt lốp trên hiện trường từ việc giẫm “chết” phanh đã bác bỏ cáo buộc ô tô của Hoàng không giảm tốc độ.
Xe của Hoàng phát hiện xe Innova từ khoảng cách 70 m nên đã rà phanh. Sau khi thấy xe Innova bắt đầu lùi chéo từ mép đường bên phải ra giữa đường (cùng với làn đường Hoàng đi), Hoàng định đánh lái sang trái để tránh nhưng có xe khác chạy vượt lên nên Hoàng không làm được và đạp chết phanh rồi đánh lái sang phải để tránh xe Innova. Nhưng do khoảng cách an toàn giữa hai xe không còn vì xe Innova đi lùi nên phần xe phía ghế lái bên trái xe của Hoàng đã va chạm với đuôi bên phải xe Innova, đẩy đi khiến xe Innova đâm vào lan can mép phải đường cao tốc.
Lẽ ra tòa phúc thẩm nên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, dựng lại hiện trường, làm rõ vị trí dừng của xe Innova cũng như vị trí nơi hai xe va chạm với nhau. “Trong tình huống này, không chỉ riêng Hoàng mà bất cứ ai lái xe cũng không còn sự lựa chọn và cách xử lý nào khác” - LS Thanh nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ chuyển đơn sang TAND Tối cao Ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia) cho hay người nhà bị cáo Lê Ngọc Hoàng đã có đơn kêu cứu gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. Theo quy định, Phó Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ chuyển đơn và hồ sơ sang TAND Tối cao tiếp nhận, thụ lý nhưng hiện chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía lãnh đạo TAND Tối cao. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ cập nhật thông tin mới về vụ việc này. “Chúng tôi rất hy vọng TAND Tối cao sẽ có ý kiến, xử lý vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật” - ông Hùng trao đổi với báo chí. |