Vụ PVN: Người nhận tội, người kêu oan

Mở đầu, nguyên tổng giám đốc (TGĐ) PVN Phùng Đình Thực khai giữ chức vụ phó TGĐ PVN từ tháng 7-2009 đến tháng 9-2011, khi dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã và đang triển khai, sau đó ông giữ chức vụ TGĐ PVN. “Quá trình làm việc, các chỉ đạo luôn công khai, minh bạch, không chỉ đạo miệng hay mang tính chất riêng tư” - bị cáo này nói.

Ông Phùng Đình Thực nói không có tội

Về cáo buộc của VKS rằng ông có hành vi chỉ đạo PVPower ký hợp đồng số 33 với PVC, ông Thực khai các tài liệu mà ông xuất trình tại CQĐT cho thấy việc chỉ đạo chỉ định thầu PVC không do ông đề xuất, không quyết được; việc chỉ định đã được chủ tịch HĐTV (ông Đinh La Thăng) ký báo cáo Chính phủ. “Việc ký hợp đồng là căn cứ vào nghị quyết HĐTV PVN theo đúng quy định của pháp luật. Bị cáo không có bất cứ chỉ đạo nào để hai bên ký hợp đồng trái quy định” - ông Thực tự bào chữa.

Cũng theo ông này, kể từ ngày ký hợp đồng 33 đến khi thanh lý hợp đồng, ông Đinh La Thăng đã kết luận nhiều nội dung, trong đó không có nội dung nào về việc hợp đồng 33 không đúng pháp luật. “Cũng không có bất cứ ai nói hợp đồng này không có căn cứ pháp lý phải hủy bỏ, nếu có thì chắc chắn bị cáo đã cho kiểm tra. Bị cáo không có hành vi cố ý làm trái trong việc chỉ đạo PVPower và PVC ký hợp đồng 33 sai quy định” - ông Thực tái khẳng định.

Về hành vi chỉ đạo cấp dưới cấp vốn tạm ứng cho PVC, ông Thực thừa nhận có một lần ký bút phê nhưng cho rằng: “Rất tiếc khi cán bộ trực tiếp thấy thiếu một phụ lục đã không báo cáo. Điều đó nói rằng bị cáo không có vai trò trong việc tạm ứng vốn sai. Bị cáo khẳng định không có chỉ đạo nào trong việc này, kể cả bằng miệng hay văn bản”.

Về chi tiết đại diện VKS nhận định ông thiếu thành khẩn và đổ lỗi cho cấp dưới, ông Thực nói tại CQĐT ông luôn khai báo thành khẩn, tại phiên tòa đã đưa ra các chứng cứ chứng minh mình vô tội nhưng từ những chứng cứ đó lại kết luận ông không thành khẩn. “Bị cáo cũng đưa ra các chứng cứ cho thấy sự phân công, phân quyền rất rõ ràng mà lại cho rằng bị cáo đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo đã làm việc trong ngành dầu khí 40 năm, mục tiêu duy nhất của cuộc đời là cống hiến cho ngành dầu khí phát triển…” - ông Thực phân bua.

Ông Phùng Đình Thực (trái) kêu oan, còn ông Nguyễn Quốc Khánh chỉ xin HĐXX khoan hồng. Ảnh: TTX

Ông Nguyễn Quốc Khánh mong tòa khoan hồng

Người thứ hai tự bào chữa là nguyên phó TGĐ PVN Nguyễn Quốc Khánh. Ông này cho rằng bản thân đã hết sức thành khẩn khai báo, giao nộp tài liệu cho CQĐT, tích cực phối hợp điều tra, quá trình điều tra thành khẩn khai nhận trách nhiệm với các sai sót của cấp dưới.

“Thời gian bị tạm giam tôi cũng rất ân hận, nhờ luật sư làm việc với gia đình vay mượn, chủ động nộp 2 tỉ đồng mặc dù chưa biết trách nhiệm dân sự hoặc hình sự đối với mình đến đâu. Việc nộp tiền là để lương tâm được thanh thản. Xin HĐXX khoan hồng độ lượng để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời” - ông Khánh nói.

“Vì ai mà bao nhiêu người phải có mặt ở đây?”

Sáng 14-1, nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch Lương Văn Hòa tự bào chữa rằng suốt thời gian điều tra đã cung cấp đầy đủ thông tin cho CQĐT. “Dù có những hành vi chưa bị phát hiện nhưng bị cáo đã tự nguyện khai báo bởi cho rằng đó là trách nhiệm của mình. Nếu bị cáo không khai báo thì CQĐT cũng không biết nhưng lương tâm không cho phép làm việc đó” - ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng nhắc lại việc ông Trịnh Xuân Thanh khi tự bào chữa chiều 13-1 có ý buộc tội ông. “Ở đây là phiên tòa công khai, có gia đình bị cáo và gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đề nghị bị cáo Thanh không buộc tội bị cáo hay các bị cáo khác khi bào chữa cho mình vì liên quan đến con người. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, anh có bao giờ nghĩ vì ai mà bao nhiêu con người phải có mặt ở đây chưa?” - ông Hòa nói.

Đề nghị xem xét thiệt hại

Tiếp đó, nguyên TGĐ PVN Nguyễn Xuân Sơn khai: “Khi làm việc với CQĐT và đại diện VKS, lúc đầu bị cáo cho rằng mình không làm gì sai nhưng khi VKS cho biết hợp đồng 33 là trái quy định pháp luật, bị cáo thấy rằng mình đã làm sai, là một trong những mắt xích trong cả quy trình”.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng kết luận giám định về thiệt hại không có sức thuyết phục và không đủ căn cứ pháp lý. Cụ thể, mức tính lãi suất thiệt hại lên tới 14% số tiền tạm ứng nhưng năm 2011, lãi suất ngân hàng chỉ có 9%. Lấy mức lãi của cho vay nặng lãi để tính là không thuyết phục. Ông Sơn đề nghị HĐXX khi truy xét thiệt hại thì phải truy đến cùng vị trí của đồng tiền, dẫu sử dụng sai mục đích nhưng vẫn có hiệu quả thì phải tính tất cả vào, sau đó bù trừ để tránh cho các bị cáo bị thiệt hại về mặt dân sự.

Đáng chú ý, về hành vi tạm ứng tiền sai của PVC, ông Sơn xin nhận thay trách nhiệm cho nguyên phó trưởng Ban Kế toán và kiểm toán PVN Lê Đình Mậu vì cho rằng bị cáo này đã làm đúng trách nhiệm…

Nguyên kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh thì không đồng ý với đề xuất của luật sư về việc trả hồ sơ. Ông Quỳnh cho rằng mình chỉ thi hành quyết định của cấp trên, không biết hợp đồng 33 là sai quy định. Ông Quỳnh xin HĐXX miễn trách nhiệm đối với bị cáo Mậu vì ông Mậu chỉ là cấp phó, ký quyết định cấp tiền theo sự ủy quyền của ông. “Anh Mậu giống như là người xuất kho, không nắm được sự việc cũng như khiếm khuyết của hợp đồng 33, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ”.

Liền sau đó, ông Mậu cũng khẳng định đã thành khẩn khai báo, những gì biết đều trình bày đầy đủ. Ông này cho hay không nắm được bản chất của vụ việc, bản thân có mẹ già, các con đang trong tuổi ăn học, mong HĐXX cho hưởng mức án thấp nhất.

Đại diện PVN, PVC đề nghị giảm nhẹ cho các bị cáo

Đại diện PVN cho biết đã theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa, đồng thời nhất trí với phần ý kiến của luật sư đại diện cho quyền lợi của PVN. Theo vị này, có nhiều bị cáo từng là lãnh đạo cấp cao của PVN, đã có những cống hiến to lớn cho tập đoàn cũng như đất nước. “Với tư cách đại diện nguyên đơn dân sự, tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với họ” - vị này nói.

Đại diện PVC thì cho hay: “Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm như đã trình bày là thiết tha mong HĐXX cân nhắc công và tội của các bị cáo để lượng hình, để các bị cáo sớm có cơ hội sửa chữa các sai phạm, sớm trở về với gia đình”.

Ông Trịnh Xuân Giới (cha ông Trịnh Xuân Thanh) được chủ tọa mời lên phát biểu về số tiền 4 tỉ đồng mà gia đình đã nộp cho cơ quan chức năng. Ông Giới cho biết khi ở trại tạm giam, ông Trịnh Xuân Thanh nói mình không tham ô nhưng theo tư vấn của luật sư, để bày tỏ sự thiện chí cũng như công nhận vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu PVC của ông Thanh nên gia đình đã tự nguyện nộp 4 tỉ đồng, kết quả xử lý ra sao thì sau phiên tòa sẽ tính.

Ông Trịnh Hùng Cường (con trai ông Thanh) thì cho hay không có ý kiến gì thêm về số tiền trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm