TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm lần 2 vụ Trương Chí Thành (SN 1991, tại Thanh Hoá) và đồng phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Theo đó, toà tuyên phạt Thành lên 9 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả (tăng 1 năm tù so với sơ thẩm lần 1- PV). Đối tác mua bán với Thành, Phạm Thanh Truyền (SN 1990, tại TP.HCM) 7 năm tù về tội buôn bán hàng giả.
Ba bị cáo đồng phạm với việc sản xuất và buôn bán hàng giả của Thành, 2 người bị tăng án, 1 được giảm 5 tháng với mức án mới từ hai năm bảy tháng đến bốn năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 1-2021, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần 1 vụ Trương Chí Thành, nhưng sau đó VKS kháng nghị phúc thẩm đề nghị tăng hình phạt bị cáo Thành và hai đồng phạm, và đề nghị hủy án phần xử lý vật chứng, xét xử lại theo hướng tiêu hủy toàn bộ bao cao su giả. TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên huỷ toàn bộ bản án.
Theo toà phúc thẩm, trong quyết định kháng nghị, VKS nêu Thành thuê nhiều người sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị tương đương với hàng thật gấp hơn 12 lần số tiền định khung hình phạt, nhưng xử phạt Thành 8 năm tù là nhẹ, không nghiêm, có vi phạm về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nên tăng hình phạt đối với Thành. Tuy nhiên phần quyết định kháng nghị lại không kháng nghị tăng nặng hình phạt với Thành. Tại phiên tòa, đại diện VKS cũng không có ý kiến về nội dung này nên chưa có cơ sở để tòa xem xét phần nội dung đề nghị tăng hình phạt.
Về xử lý vật chứng trong vụ án (công cụ, phương tiện, máy móc... dùng để sản xuất bao cao su, gel bôi trơn giả và nhiều sản phẩm là bao cao su, gel bôi trơn giả) giải quyết chưa triệt để là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên cần huỷ án để xử lại.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm lần 2 Ảnh: H.YẾN
Hồ sơ thể hiện tháng 7- 2018 Thành mua công cụ, phương tiện, máy móc bao bì nhãn mác để sản xuất buôn bán bao cao su giả nhãn hiệu Durex và gel bôi trơn giả nhãn hiệu Durex, K-Y. Thành thuê nhà tại địa chỉ Dương Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) làm địa chỉ kinh doanh bán hàng giả trên và một số loại bao cao su khác mua từ Trung Quốc theo nhu cầu của khách.
Để tiến hành sản xuất, Thành tìm mua bao cao su không nhãn mác, không bao bì từ Trung Quốc của một đối tượng (không rõ lai lịch). Tiếp đó, Thành mua bao bì, nhãn mác, nguyên liệu của các đối tượng không rõ trên trên mạng xã hội.
Thành thuê Nguyễn Thị Lê Uyên (sinh năm 1982) với mức lương 4 triệu/tháng, được một thời gian thì đổi sang trả theo sản phẩm. Thành trang bị máy móc, nguyên liệu, bao bì, nhãn mác hướng dẫn cho Uyên sản xuất bao cao su và gel bôi trơn giả tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Đến đầu năm 2019, Thành thuê thêm Trần Xuân Nam lương 5 triệu/tháng và cung cấp, hướng dẫn sản xuất loại hàng giả trên tại quốc lộ 13 cũ, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Ban đầu các sản phẩm làm ra được bán cho khách có nhu cầu. Sau đó các sản phẩm sản xuất ra chỉ bán cho Truyền.
Trong quá trình buôn bán các sản phẩm này, Truyền thuê nhà tại phường 14, quận Gò Vấp làm nơi chứa hàng và thuê Đặng Lê Duy trông coi và giao hàng giúp. Chiều 29-5-2019, công an tuần tra phát hiện bốc dỡ 12 thùng gạch tông chứa bao cao su và gel bôi trơn giả tại số nhà này.
Cơ quan chức năng lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Theo giám định, số tang vật thu giữ trị giá 1,8 tỉ đồng. Cùng lúc đó, tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, công an tiến hành kiểm tra bắt quả tang tại nơi sản xuất của Nam và thu giữ tang vật có trị giá hơn 938 triệu đồng.
Sau đó, công an mở rộng điều tra và tiến hành bắt khẩn cấp những người còn lại trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả này.