Vụ sản xuất nhớt giả: 3 người đang tại ngoại bị bắt tạm giam sau khi huỷ án sơ thẩm

(PLO)- Cơ quan điều tra hình sự khu vực 2 đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ba bị can đang tại ngoại trong vụ sản xuất nhớt giả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả do Vũ Thị Nở cùng đồng phạm thực hiện, mới đây cơ quan điều tra hình sự khu vực 2 (Quân khu 7) đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Đoàn Văn Quảng (lái xe), Phan Đình Tin và Ngô Quang Động.

Ba người này là ba bị cáo mới bị Toà án quân sự Quân khu 7 xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Vũ Thị Nở (người chủ mưu) khai bắt đầu sản xuất nhớt giả từ tháng 1-2022 đến ngày 6-3-2022 thì bị phát hiện; bị cáo Quảng không có sự bàn bạc thống nhất từ trước về việc chở nhớt giả cho Nở, bị cáo Quảng không biết số nhớt mà Quảng chở cho Nở là nhớt giả do các bị cáo khác sản xuất. Tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo Quảng có biết số nhớt mà bị cáo Quảng chở cho Nở là nhớt giả hay không mà xử buộc bị cáo Quảng đồng phạm với Vũ Thị Nở là chưa đúng quy định tại khoản 1, 2 Điều 17 BLHS.

sản xuất nhớt giả
Ba bị cáo Quảng, Tin, Động sau khi bị cấp phúc thẩm tuyên huỷ án để điều tra lại đã bị bắt tạm giam (các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm tháng 7-2024). Ảnh: HỮU ĐĂNG

Đối với Ngô Đình Tin, bị cáo này khai là chỉ tham gia vào một công đoạn trong quá trình sản xuất nhớt giả, không quản lý sản xuất nhớt giả cho Nở, thời gian tham gia sản xuất 4-6 ngày. Còn bị cáo Động khai có tham gia sản xuất nhớt giả cho Nở nhưng thời gian làm không liên tục, được 6 buổi, không làm nguyên ngày chỉ làm từ 9-10 giờ đến 16 giờ.

Như vậy, các bị cáo Tin, Động tham gia cùng với Nở sản xuất nhớt giả với thời gian làm việc khác nhau, việc tòa cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải chịu chung với tổng số lượng hàng giả mà bị cáo Nở sản xuất là không đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS.

Những sai sót này cấp phúc thẩm không thể điều tra, bổ sung làm rõ được. Do đó, phải điều tra lại theo thủ tục chung nhằm làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo Quảng có biết nhớt mà mình thuê là nhớt giả không, xác định lượng hàng giả mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm cụ thể là bao nhiêu?

Cạnh đó, bản án phúc thẩm cũng xác định về thủ tục định giá tài sản có nhiều sai sót như thành phần hội đồng định giá là số chẵn; tẩy xóa biên bản định giá... là không đúng theo quy định tại Nghị định 30/2018.

Chở thuê 2 chuyến hàng lãnh 5 năm tù

Theo bản án sơ thẩm, khoảng tháng 1-2021, Nở thuê kho của Xí nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm thuộc Công ty TNHH MTV Đông Hải (Quân khu 7) để chứa phế liệu.

Đến tháng 1-2022, thấy việc sản xuất và bán nhớt giả mang lại lợi nhuận cao nên Nở mua nhớt kém chất lượng, không rõ nguồn gốc về san chiết ra các chai, thùng nhớt dán các nhãn hiệu Castrol, Honda, Yamaha...

Nở thuê và giao cho Phan Đình Tin phụ trách việc sản xuất nhớt giả, Tin thuê thêm người cùng làm...

Đến khoảng tháng 2-2022, Nở thuê Đoàn Văn Quảng vận chuyển số nhớt thành phẩm từ kho nêu trên đến kho tại địa chỉ ở phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương với giá 1 triệu đồng/chuyến. Quảng đã vận chuyển được hai chuyến.

Theo kết luận định giá, tổng giá trị nhớt giả trong 3.978 chai, can, thùng là 423 triệu đồng. Các bị hại trình bày không xác định được thiệt hại và không yêu cầu bồi thường.

Xử sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt Nở sáu năm tù, Tin năm năm tù, Động bốn năm tù, Thắng một năm tù cho hưởng án treo, Quảng năm năm tù, cùng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Sau phiên toà sơ thẩm các bị cáo Quảng, Tin, Động kháng cáo xin xem xét lại bản án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm