Vụ siêu lừa Hà Thành: Đại gia nói gửi tiết kiệm hợp pháp, hoàn toàn tin tưởng ngân hàng

(PLO)- Siêu lừa Hà Thành khai có quan hệ vay mượn với ông Đặng Nghĩa Toàn trong khi đại gia này cho rằng gửi tiết kiệm hợp pháp và hoàn toàn tin tưởng ngân hàng. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ siêu lừa Hà Thành.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ban đầu, đại gia Đặng Nghĩa Toàn và vợ ủy quyền cho hai người đại diện tham gia phiên tòa do sức khỏe yếu. Tuy nhiên, ngày 27-3, đại gia này đã có mặt tại phiên tòa để làm rõ một số vấn đề HĐXX hỏi.

siêu lừa hà thành.jpg
Siêu lừa Hà Thành và các bị cáo khác tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: T.T

Gửi tiết kiệm hợp pháp

Ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ là người đã gửi 122 tỉ đồng vào ba ngân hàng NCB, Việt Á, PvcomBank, sau đó, bị siêu lừa Hà Thành giả chữ ký để làm hồ sơ cầm cố sổ tiết kiệm, vay tiền các ngân hàng chiếm đoạt.

Trả lời HĐXX, ông Toàn nhiều lần khẳng định việc gửi tiền của ông là hợp pháp, đúng quy định, quy trình của ngân hàng. Sau khi gửi tiền, ông Toàn được nhận lãi về tài khoản bình thường.

Lý giải nguyên nhân vì sao đưa cho siêu lừa Hà Thành giữ sổ tiết kiệm, ông Toàn cho biết, Thành tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng đang cần chạy chỉ tiêu. Nếu ông Toàn gửi tiền qua chỗ Thành giới thiệu thì sẽ được hưởng thêm lãi ngoài bằng lãi suất trên sổ tiết kiệm.

“Mỗi lần gửi tiền thì Thành nói nếu tôi giữ sổ mà rút trước hạn thì ngân hàng thiệt thòi. Tôi tin rằng nếu chỉ có mỗi sổ tiết kiệm thì Thành không thể làm gì nên đã đưa cho Thành” - ông Toàn nói.

Ông Toàn cũng khai Thành nói mỗi ngân hàng có biện pháp riêng để thu hút người gửi tiền. Có ngân hàng thực hiện biện pháp như bốc thăm trả thưởng, trả bằng vàng, hiện vật. Bản thân ông Toàn nghĩ rằng tiền lãi ngoài là “rất bình thường”. Ngay tại một số ngân hàng, ông cũng được trả thêm lãi suất ngoài mức lãi trần.

Về giấy cam kết Thành viết có nội dung Thành là nhân viên ngân hàng, đang thiếu chỉ tiêu huy động, nhờ ông Toàn hỗ trợ..., bị cáo Thành khai rằng viết theo yêu cầu của ông Toàn sau khi vụ việc xảy ra.

Ông Toàn khẳng định đây là lời khai vu khống, “nếu tôi có nghi ngờ thì tôi chỉ cần không gửi tiền, tôi cần gì ép Thành viết giấy”. Ông Toàn cũng nói thêm, “quan trọng là tôi gửi tiền vào ngân hàng”.

Hồ sơ vụ án cho thấy vợ chồng ông Toàn gửi 2 sổ tiết kiệm, tổng cộng 30 tỉ đồng tại Ngân hàng NCB. Sau đó bị cáo Hà Thành đã ký giả vợ chồng ông Toàn, làm hồ sơ cầm cố sổ tiết kiệm vay ngân hàng, rút tiền ra sử dụng.

Liên quan hành vi này, ông Toàn khai khoảng tháng 3-2018, ông đang ở nước ngoài thì nhận được tin nhắn từ Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB) thông báo 2 sổ tiết kiệm đang được đảm bảo cho khoản vay của Công ty Jeongho.

Sau khi nhận tin nhắn đó, ông gọi điện cho Trung hỏi rõ, nói không biết công ty nào hết. Trung nhắn lại sổ tiết kiệm không phải vay vốn mà chỉ chứng minh tài chính cho Công ty Jeongho.

"Tôi tiếp tục gọi điện cho Trung nói: Số tiền gửi anh gửi không ít, 30 tỉ đồng, anh gửi tiền là tin tưởng bên em, anh không đồng ý bên em trả lời như vậy, yêu cầu trả lời bằng văn bản.

Sau đó, tôi gọi điện bảo vợ gọi lên tổng đài kiểm tra. Không hiểu sao Trung biết vợ tôi gọi lên tổng đài và nhắn cho tôi: Hôm qua chị Trang (vợ ông Toàn-PV) có gọi lên tổng đài hỏi thông tin của anh… Em báo lại anh thông tin 2 sổ tiết kiệm anh gửi vẫn bình thường, không vay vốn gì đâu anh nhé”.

Khi tôi về nước, tôi ra ngân hàng rút tiền thì vẫn rút được. Nhưng khi xảy ra vụ án thì bị cáo Hà Thành lại khai là sợ vợ tôi ghen tuông, sợ tôi đem tiền cho gái nên mới nhắn tin như vậy" - ông Toàn nói.

Ông Toàn nói rằng lời khai về việc ghen tuông là rất buồn cười. Vị đại gia này nói rằng đáng lẽ nếu có vấn đề thì một nhân viên bình thường phải hỏi tôi, gặp tôi để làm rõ liệu tôi có cầm cố hay không.

Bản chất là quan hệ vay mượn

Trong phiên tòa phúc thẩm, siêu lừa Hà Thành nhiều lần nói rằng xuất phát điểm của bị cáo khi vay tiền không có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bà Thành khẳng định đã vay tiền của ông Đặng Nghĩa Toàn chứ không có việc huy động tiền gửi cho ngân hàng. “Bị cáo và ông Toàn có quan hệ vay mượn, ông Toàn không giao tiền cho bị cáo. Do vay mượn không có tài sản bảo đảm nên gửi tiền vào ngân hàng bằng sổ tiết kiệm. Nếu bị cáo không trả tiền thì ngân hàng trả” – bị cáo Hà Thành nói.

Theo lời khai của siêu lừa Hà Thành, mức lãi suất vay mượn là 4,2%/tháng, trả lãi ngay khi ông Toàn giao sổ tiết kiệm. Tổng số tiền lãi bị cáo đã trả khoảng 26 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bị cáo Thành thừa nhận không có tài liệu chứng minh việc vay mượn này.

Bà Thành cũng khai bản thân mình không giới thiệu là nhân viên ngân hàng, giấy cam kết nói trên là do ông Toàn yêu cầu viết.

Siêu lừa Hà Thành khẳng định: “Anh Toàn có biết việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay. Anh Toàn gọi bị cáo lên nhà yêu cầu bị cáo viết cam kết có nội dung là nhân viên ngân hàng đi huy động vốn và giải thích do tiền cho bị cáo vay là tiền chung của các anh em trong công ty nên yêu cầu bị cáo viết để làm tin”.

“Anh Toàn nói nếu không đòi được bị cáo thì anh có thể đến ngân hàng đòi tiền không có vấn đề gì” – bị cáo Hà Thành khai.

Về tin nhắn của bị cáo Trung, bị cáo Thành khẳng định bị cáo sợ vợ anh Toàn ghen nên nhờ Trung nhắn tin nói sổ tiết kiệm vẫn còn ở ngân hàng.

Bản án sơ thẩm xác định có cơ sở cho thấy số tiền gửi tiết kiệm của ông Toàn và một số cá nhân khác gửi tại VAB, NCB, PVCombank là tiền họ cho Hà Thành vay. Đây là mối quan hệ vay mượn, không có cơ sở cho rằng, họ gửi tiết kiệm qua Thành để lấy hoa hồng.

Việc gửi tiền vào ngân hàng là để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Thành đối với ông Toàn và những người đồng sở hữu. Sau này nếu Thành không trả được thì ngân hàng có trách nhiệm trả.

Thỏa thuận này không phản ánh đúng ý chí của hai bên. Bản chất việc gửi tiền của ông Toàn và các đồng sở hữu là để ngân hàng trả nợ thay cho Thành. Đây là hợp đồng giả cách, che giấu thỏa thuận của ông Toàn và các đồng sở hữu.

Từ đó, bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Hà Thành phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các ngân hàng; giữ lại toàn bộ 122 tỉ đồng trong tất cả các sổ tiết kiệm của ông Toàn để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Thành, tạm giao cho các ngân hàng quản lý; giữ lại các sổ tiết kiệm của một số người đồng sở hữu để đảm bảo thi hành án cho nghĩa vụ của Hà Thành.

Tòa cũng tuyên dành quyền khởi kiện cho ông Toàn và các đồng sở hữu về quan hệ vay mượn bằng vụ kiện khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm