Vụ ‘siêu lừa' Hà Thành: Ngân hàng và quy trình 7 bước

(PLO)- Nội dung bào chữa của các luật sư trong vụ án ''siêu lừa'' Hà Thành cho thấy còn nhiều vấn đề cần bàn quanh các quy trình, quy định của ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (17-3), phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và 25 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB) tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư bào chữa…

Thông thường, ngành ngân hàng vẫn được coi là có nhiều quy trình, quy chế quản lý nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các khâu nghiệp vụ, hạn chế lỗi vô tình hoặc cố ý dẫn đến thất thoát tiền bạc. Tuy nhiên, nội dung bào chữa của các luật sư trong vụ án này cho thấy còn nhiều vấn đề cần bàn quanh các quy trình, quy định của ngân hàng.

Bị cáo Quỳnh Hương kêu oan tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Quỳnh Hương kêu oan tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Theo cáo buộc, khi siêu lừa Hà Thành đưa người đồng sở hữu đến PGD Đông Đô, Ngân hàng Việt Á gửi tiền thì PGD phát hành hợp đồng tiền gửi và giấy phỏng tỏa để người đồng sở hữu yên tâm. Thực chất, PGD Đông Đô đưa vào gửi tiết kiệm và phát hành sổ tiết kiệm cho Hà Thành. Sau đó, Hà Thành dùng sổ tiết kiệm này cầm cố vay tiền rồi chiếm đoạt.

hay không hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân?

Theo quan điểm của Ngân hàng Việt Á, sản phẩm hợp đồng tiền gửi chỉ áp dụng cho khách hàng tổ chức, không áp dụng cho khách hàng cá nhân. Việc các bị cáo là nhân viên ngân hàng phát hành hợp đồng tiền gửi cho cá nhân là vi phạm quy định cho vay.

Trong khi đó, nội dung tranh luận của Luật sư bào chữa cho bị cáo Quản Trọng Đức (Trưởng phòng PGD Đông Đô) cho thấy, ngân hàng này có giấy ủy quyền vào năm 2017 cho Phó giám đốc chi nhánh, Trưởng PGD ký các loại Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn với khách hàng cá nhân, tổ chức.

Vậy, Ngân hàng Việt Á có cung cấp sản phẩm hợp đồng tiền gửi cho khách hàng cá nhân hay không?

Về việc phát hành hợp đồng tiền gửi và sổ tiết kiệm cùng lúc, luật sư của bị cáo Đức cho biết khi gửi tiết kiệm đồng sở hữu, ngân hàng chỉ cho phép phát hành một sổ tiết kiệm. Bị cáo Thành giữ sổ tiết kiệm. Vì thế, PGD phát hành hợp đồng tiền gửi cho người đồng sở hữu trong đó ghi rõ “Hợp đồng này là phần không tách rời của Sổ tiết kiệm'' kèm theo mã số sổ tiết kiệm để 2 bên gửi tiền biết rõ.

Luật sư của bị cáo Đức đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để điều tra việc áp dụng các quy trình, quy định của ngân hàng, từ đó xem xét lại việc quy kết trách nhiệm, kết luận tội danh cho bị cáo Đức có đúng hay không.

Quy trình 7 bước nói gì?

Luật sư của bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân) cũng đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc tuyên bị cáo Hương vô tội.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Hương kêu oan, khẳng định bản thân không bàn bạc, không biết mục đích của ''siêu lừa'' với Hà Thành, bản thân bị cáo cũng tự góp 2 tỉ đồng cho Thành vay, bị cáo không thể tự lừa tiền của chính mình.

Bị cáo Hương bị đề nghị mức án 16- 18 năm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tại sản” và tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Theo hồ sơ vụ án, tại Ngân hàng Việt Á, quy định về việc cho vay, giải ngân có 2 văn bản, Quyết định 1760 về cấp tín dụng và Quyết định 588 về sản phẩm cho vay cầm cố số dư tiền gửi.

Các công văn gửi tới cơ quan điều tra của Ngân hàng Việt Á xác định, khi cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm, nhân viên ngân hàng phải tuân thủ các quy trình tại Quyết định 1760 và cả Quyết định 588.

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Hương, sản phẩm cho vay cầm cố số dư tiền gửi là một sản phẩm đặc thù, chỉ áp dụng theo quy trình đã được quy định tại Quyết định 588 chứ không phải áp dụng cả Quyết định 588 và Quyết định 1760.

Điều này cũng thể hiện ở sự khác biệt ngay tại các bước thực hiện trong hai quy trình này.

Ví dụ, quy trình cho vay 7 bước của Quyết định 588 nêu trách nhiệm của giao dịch viên tại quầy (tư vấn, tiếp nhận hồ sơ, định giá, thẩm định khách hàng) và kiểm sát viên (soạn thảo, ký kết hợp đồng) Thẩm quyền phê duyệt khoản vay thuộc giám đốc phòng giao dịch/chi nhánh. Việc phong tỏa, hạch toán, nhập kho, giải trên hệ thống phần mềm Flexcube do giao dịch viên và kiểm sát viên tại quầy. Kiểm soát tín dụng Hội sở thực hiện việc theo dõi sau cho vay…

Còn theo Quyết định 1760 thì chuyên viên quan hệ khách hàng là người trực tiếp làm việc với khách hàng, thẩm định hồ sơ, lập hồ sơ xét duyệt...

Như vậy, bị cáo Quỳnh Hương là Trưởng phòng khách hàng cá nhân không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn can thiệp vào nghiệp vụ cho vay, cầm cố số dư tiền gửi của quầy giao dịch.

Trong phần tranh luận tại tòa, bị cáo Hà Thành nhận tội nhưng xin giảm nhẹ hình phạt vì: “Trong thời gian chịu tạm giam, bị cáo đã nhận thức sai phạm của mình. Bị cáo có con gái mắc bệnh hiểm nghèo, mong được sớm trở về chăm sóc”.

Luật sư của “siêu lừa” nêu quan điểm, hậu quả trong vụ án thuộc về nhóm 17 cán bộ ngân hàng vì thiếu trách nhiệm, không thẩm tra hồ sơ vẫn ký duyệt các khoản vay cho Hà Thành.

Một số luật sư bào chữa cho nhóm nhân viên ngân hàng phản đối quan điểm này, cho rằng VKS đúng khi kết luận Hà Thành là chủ mưu trong vụ và trực tiếp chiếm đoạt khoản tiền đặc biệt lớn. Đa phần các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do tin tưởng Hà Thành là khách hàng VIP hoặc chịu sự chỉ đạo, ép buộc từ cấp trên nên làm sai quy định, giúp nữ “siêu lừa” được vay tiền rồi chiếm đoạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm