Hai ngày qua hàng trăm người dân xã Hải Thanh nỗi hồi hộp, căng thẳng lớn khi 8 ngư dân mất tích vẫn chưa trở về. Những đôi mắt người vợ mòn mỏi ngóng chồng con nhìn về phía biển mong chờ điều kỳ diệu xảy đến nhưng càng đợi họ càng trở nên mong manh vô, vọng trước biển cả mênh mông.
Nỗi đau nơi cửa biển Lạch Bạng khi hàng trăm người theo dõi lễ chiêu hồn tiếc thương cho những phận người vẫn còn ở lại với biển khơi.
Họ là những người thân của 8 ngư dân mất tích trên biển trong vụ việc 3 tàu cá ở xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị chìm hôm 9-1 ở gần bờ biển Tĩnh Gia.
Khăn tang phủ khắp nơi cửa biển
Bất kể ai, những ngày này đến với xã Hải Thanh nơi 8 ngư dân mất tích trên biển đã không thể kìm nén được nỗi đau khi tám người mất tích vẫn chưa trở về. Những người dân nơi đây cho biết kinh nghiệm của người dân đi biển thì việc 8 ngư dân có thể đã chết, vì vậy gia đình các nạn nhân đã ngừng tìm kiếm mà tổ chức lễ chiêu hồn cho các nạn nhân đồng thời phát tang theo phong tục của người dân địa phương.
Chiều nay (10-1), hàng trăm người dân địa phương cùng người thân trong gia đình có người mất tích trên biển đã đến khu vực Đền Lạch Bạng để làm lễ chiêu hồn. Những di ảnh của ngư dân được làm vội mang ra đền hướng về phía biển để chiêu hồn cũng là lúc những người thân òa khóc khi mất đi người chồng, người cha, người con vĩnh viễn nằm lai với biển khơi.
Chị Hải, một người dân cho biết, chưa bao giờ người dân nơi đây phải đón nhận hung tin đớn đau đến thế, bởi vì suốt hơn 20 năm qua nơi đây chưa khi nào có nhiều ngư dân chết đến thế, dẫu biết rằng nghề “sinh ra ở biển khơi thì về với biển khơi”.
Qua những góc xóm quanh cờ phủ trắng khăn tang, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của anh Lê Văn Thực (chủ tàu, cùng bị mất tích cùng với những ngư dân khác). Vợ anh Thục khuôn mặt rạm nắng gió biển khơi, chị nấc nghẹn, hụt hơi, nước mắt ngấn dài trên mặt chị, chị cũng không còn đủ sức để đến dự lễ chiêu hồn cho chồng chị mà chỉ có người con trai là Lê Văn Thiện cùng đi chung chuyến tàu với bố may mắm thoát chết chưa kịp hoàn hồn để ra dự lễ chiêu hồn bố trở về.
Giây phút kinh hoàng
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, người may mắn thoát chết, khuôn mặt vẫn lộ rõ sự sợ hãi kể lại con tàu của anh cùng với hai con tàu còn lại bị sóng dữ nhấn chìm. Tàu của Mạnh có công suất 90 CV, trên tàu có 5 người ra khơi được 10 ngày.
Đến khoảng 18 giờ tối 8-1 trong lúc tàu đang chuẩn bị lên đèn thả câu thì bất ngờ có một cơn cao như tòa nhà 4 tầng bất ngờ đổ sập vào tàu của anh khiến tàu lật úp. Lúc này trên tàu có 5 người thì mỗi người bị văng ra mỗi nơi.
“Khi cơn sóng đi qua tôi ngoi lên mặt nước biển rồi túm được khúc luồng. Tại thời điểm tôi quan sát những ngư dân đi cùng thì chỉ thấy mỗi anh Phùng rồi tiếp tục chờ đợi nhưng không thấy ba ngư dân còn lại, lúc này tôi nói Phùng ngồi lên tấm ván tàu bị vỡ rồi hai anh em dìu nhau suốt 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh may mắn thoát chết kết lại giây phút giành giật giữa sự sống và cái chết.
Lúc này có tàu đến ứng cứu, tôi phải bơi ra gọi tàu và để anh Phùng ngồi lại trên tấm gỗ. Khi tôi lên được tàu của anh Hồ Quang Dũng, quay ra tìm anh Phùng thì anh ấy bị sóng đánh trôi đi đâu mất, khoảng hơn 1 tiếng sau anh Phùng cũng được một tàu khác cứu được. Tuy nhiên đến nay ba ngư dân còn lại trên tàu vẫn mất tích”, anh kể lại giây phút thoát chết kinh hoàng.
Trước đó, đài thông tin duyên hải tỉnh Thanh Hóa thông tin ba tàu cá tại xã Hải Thanh bị sóng dữ đánh chìm trên biển cách Thanh Hóa khoảng 6 hải lý vào sáng 9-1. Các tàu cá bị chìm là tàu của anh Lê Văn Thiện, Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Văn Mạnh đều ngụ ở xã Hải Thanh.
Trên ba tàu có 18 người và đến chiều 9-1, lực lượng chức năng đã cứu được 10 thuyền viên, trong đó có nhiều người sưc khỏe bị giảm sút do lênh đênh trên biển nhiều giờ cộng với các giá lạnh 10 độ C. 8 gười mất tích là Lê Văn Sơn (50 tuổi), Hoàng Văn Khâm (hơn 40 tuổi), Trần Văn Điệp (40 tuổi), Nguyễn Văn Nguyên (62 tuổi), Lê Văn Thực (53 tuổi), Bùi Văn Thắng (37 tuổi), Trần Văn Từ (51 tuổi), Lê Văn Đạt (21 tuổi).
Rời Hải Thanh chúng tôi hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến với họ để những người thân gia đình không mất đi một người cha, người anh trụ cột gia đình, để những người phụ nữ họ không trở thành góa phụ.