Vụ tranh chấp quyền mai táng hy hữu

(PLO)- Thi thể người có phải là tài sản được định nghĩa trong Bộ luật Dân sự; có thể trở thành đối tượng tranh chấp hay tính vào việc chia thừa kế hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Đỗ Trọng Hoãn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: Qua tiếp nhận đơn, thư tố giác tội phạm, cơ quan công an đã khai quật thi thể ông NBT (sinh năm 1974, ngụ xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) để giám định, xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông này.

Khai quật thi thể để xác định nguyên nhân tử vong

Theo nội dung vụ việc, năm 2008, bà TTNS (ngụ xã Đắk Lao) chung sống với ông NBT (ngụ Vĩnh Phúc) và có với nhau hai con. Cả hai đăng ký kết hôn tại UBND thị trấn Đắk Mil.

Tháng 7-2023, ông T qua đời. Gia đình đã tổ chức mai táng cho ông T theo phong tục địa phương. Tuy nhiên, ngày 11-9, Công an tỉnh Đắk Nông nhận được đơn của mẹ ông T (82 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc) đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông. Sau đó, mẹ ông T đã ủy quyền giải quyết vụ việc cho con gái là bà Ng (em ông T).

Tranh_chap_thi_the-1.jpg
Cơ quan công an tiến hành khai quật thi thể ông T. Ảnh: CA

Qua xác minh ban đầu, xác định trước khi chết, ông T không có dấu hiệu bị tác động ngoại lực; tuy nhiên để khách quan, cơ quan chức năng đã khai quật tử thi để giám định.

Bà Ng đồng ý nhưng yêu cầu giao xác anh bà cho bà đem về quê chôn cất. Tuy nhiên, công an giải thích “khai quật tử thi ở đâu thì chôn lại đó”. Bà Ng đồng ý và tiếp tục yêu cầu tuyệt đối không được lấy mẫu xác định ADN.

Đại tá Đỗ Trọng Hoãn cho hay: Ngày 25-10, cơ quan CSĐT đã khai quật, lấy mẫu vật gửi cơ quan chuyên môn để tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông T.

“Đơn tố giác cho rằng ông T chết chưa rõ nguyên nhân, có dấu hiệu tội phạm; người tố giác đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Việc khai quật tử thi có sự giám sát của VKSND cùng cấp” - Đại tá Đỗ Trọng Hoãn nói.

Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó.

Việc đăng ký kết hôn không còn lưu trong hồ sơ

Vợ chồng ông NBT thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND thị trấn Đắk Mil nhưng hiện hồ sơ, sổ sách tại UBND thị trấn không lưu danh sách kết hôn có tên ông T và bà S.

Lãnh đạo UBND thị trấn Đắk Mil khẳng định dù không lưu sổ sách nhưng chữ ký của phó chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil trong giấy chứng nhận kết hôn là chữ ký thật. “Hiện chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra lại để xem có còn lưu lại hay không” - vị lãnh đạo này cho hay.

Trao đổi với PV, bà S cho biết ông T chết do đột quỵ, dù được cấp cứu kịp thời nhưng chồng bà không qua khỏi. “Chồng tôi mới mất hơn ba tháng nên tôi và các con rất đau lòng khi phải khai quật hài cốt. Tuy nhiên, với mong muốn làm sáng tỏ vụ việc, gia đình đồng ý quyết định của cơ quan điều tra” - bà S chia sẻ.

Bà yêu cầu việc khai quật phải được thực hiện đúng quy định. Ngay sau khi hoàn tất thủ tục khám nghiệm tử thi phải nhanh chóng chôn cất lại tại vị trí cũ, tuyệt đối không được di chuyển hài cốt hoặc giao cho người khác. Nếu có việc cố tình vi phạm, bà S sẽ đề nghị xử lý về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Bà S cho rằng trước khi chồng bà mất, tình cảm của bà với gia đình bên chồng bình thường. Sau đó, hai bên có khúc mắc về tài sản nên mới phát sinh những yêu cầu đau lòng này.

Bà S cũng không hiểu vì lý do gì mà giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng bà lại không có chữ ký của hai vợ chồng.

Về phía em gái ông T, trao đổi với PV qua điện thoại, bà Ng cho biết phía gia đình bà đang chờ kết quả giám định để xác định nguyên nhân tử vong của anh bà. Sau đó, bà kiện để phân chia di sản của anh bà…

Thi thể không phải là tài sản

Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong luật pháp hôn nhân gia đình chưa có quy định về việc khi người thân chết thì người nào sẽ có trách nhiệm chôn cất. Nhưng theo đạo lý thông thường của người Việt Nam, chồng chết thì vợ chôn. Mà pháp luật cũng dựa trên đạo lý này.

Việc cha mẹ đòi đưa con về chôn có thể xuất phát từ mặt tình cảm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thừa nhận có đăng ký kết hôn thì về mặt pháp lý, họ là vợ chồng. Do đó, khi ông T chết, bà S lo tang lễ rồi chôn cất là chuyện đương nhiên.

Theo luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, sau khi cơ quan chức năng hoàn tất trình tự, thủ tục giải quyết tin báo về tội phạm và an táng người quá cố lại vị trí ban đầu, nếu không có dấu hiệu về tội phạm thì việc giải quyết phải đúng theo trình tự về pháp luật dân sự.

Đầu tiên, phải xác định thi thể người không phải là tài sản được định nghĩa trong Bộ luật Dân sự để trở thành đối tượng tranh chấp hay tính vào việc chia thừa kế.

Thứ hai, tại Điều 25 Bộ luật Dân sự quy định “việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Trong trường hợp trên, nếu có cơ sở xác định được về hôn nhân và vợ, con của người quá cố thông qua các tài liệu theo quy định như giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh của các con… thì các yêu cầu không xuất phát từ vợ, con sẽ không có cơ sở xem xét bởi họ không có quyền theo luật định. Trường hợp các con của người quá cố còn nhỏ, chưa thành niên thì người mẹ (người giám hộ) sẽ thực hiện các quyền này thay cho con mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm