Vụ Trường Gateway: VKS đề nghị tù giam cả 3 bị cáo

Ngày 14-1, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử ba bị cáo trong vụ án liên quan đến cái chết của bé trai theo học tại Trường Gateway. Sau gần một ngày xét xử, đại diện VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: Nguyễn Bích Quy (người đưa đón học sinh (HS)) 20-24 tháng tù giam, Doãn Quý Phiến (tài xế lái xe) 15-18 tháng tù giam, cùng về tội vô ý làm chết người. Với bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm), VKS đề nghị tòa phạt 12-15 tháng tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục

Theo cơ quan công tố, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bích Quy đã cẩu thả trong việc kiểm tra HS dẫn tới không phát hiện bé trai LHL (nạn nhân) ngủ và bỏ quên cháu. Bị cáo Doãn Quý Phiến thì quá tự tin và tin tưởng bị cáo Quy nên không kiểm tra trên xe.

Còn với bị cáo Nguyễn Thị Thủy, VKS cho rằng bị cáo này không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm, biết HS vắng mặt không lý do nhưng lại không thông báo cho gia đình.

Tại tòa, bị cáo Phiến khai bị cáo chỉ có trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng khi lái xe chứ không có trách nhiệm bàn giao HS. Dù vậy, bị cáo thừa nhận mình đã chủ quan khi không kiểm tra lại khoang phía sau, đây là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách, dẫn tới việc không phát hiện cháu bé bị bỏ quên.

Đối với bị cáo Thủy, VKS cho rằng nếu vắng HS, bị cáo phải có trách nhiệm liên lạc với phụ huynh hoặc thông qua phần mềm quản lý sĩ số của trường, qua email hoặc qua điện thoại nhưng bị cáo đã không làm.

Theo đại diện VKS, hành vi của ba bị cáo là độc lập, cháu L. tử vong trực tiếp phát sinh từ việc bị cáo Quy không kiểm tra xe, tiếp đó bị cáo Phiến tin tưởng bị cáo Quy nên cũng không kiểm tra, cuối cùng là bị cáo Thủy không thông báo với gia đình nên không kịp thời phát hiện nạn nhân.

Vụ án không chỉ để lại hậu quả về vật chất mà còn gây tổn thương to lớn về tinh thần cho gia đình, là tiếng chuông cảnh tỉnh toàn ngành giáo dục trong công tác quản lý HS cũng như việc sử dụng dịch vụ đưa đón HS do bên thứ ba cung cấp…

Ba bị cáo tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

Không tập huấn trước khi đưa đón học sinh

Trước đó, tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Bích Quy khai được Công ty Ngân Hà thuê làm nhân viên monitor cho Trường Gateway nhưng không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận mức thù lao 2,8 triệu đồng/tháng.

Chủ tọa hỏi trước khi thực hiện nhiệm vụ tại Trường Gateway, bị cáo có được tập huấn đưa đón HS hay không. Bà Quy khẳng định là không, còn lãnh đạo Công ty Ngân Hà cũng chỉ nói qua mà thôi.

Bị cáo thừa nhận khi thấy các HS xuống thì liền đóng cửa mà không kiểm tra lại, sau đó ghi vào sổ là đã đủ.

Ngược lại với lời khai của bà Quy, đại diện Công ty Ngân Hà thì nói trong năm học 2019-2020, Trường Gateway có tổ chức tập huấn cho tài xế và nhân viên xe buýt, gửi email cho công ty. Tuy nhiên, khi công ty thông báo thì cả hai người này đều vắng mặt do nhà có việc. Sau đó, công ty đã phổ biến các nội dung về nội quy đưa đón HS cho cả hai.

Về phần mình, bị cáo Doãn Quý Phiến khai mới lái xe cho Công ty Ngân Hà được ngày thứ hai thì xảy ra chuyện. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, bị cáo có nhiệm vụ lái xe đến các điểm để bà Quy đón HS đưa đến trường, chiều thì đến trường đón HS về.

Bị cáo này nhiều lần khẳng định chỉ đi theo cung đường với các địa chỉ đã có trong danh sách chứ không biết có bao nhiêu HS, cháu nào nghỉ, cháu nào đi học.

Về sự việc ngày 6-8-2019, khi xe dừng trước cổng trường, bị cáo nhìn qua gương chiếu hậu, thấy bà Quy đưa HS xuống và đóng cửa nên bị cáo lái xe về bãi. “Bà Quy cứ đóng cửa là xe sẽ đi” - bị cáo khai.

Ông Phiến cũng cho rằng mình chỉ thực hiện đúng chức năng của tài xế là lái xe chứ không kiểm tra xe. Từ trường về bãi đỗ xe, bị cáo không phát hiện điều gì bất thường.

Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thủy thừa nhận khi điểm danh có phát hiện thiếu bé trai LHL nhưng bị cáo lại không điều chỉnh sĩ số ở góc bảng của lớp, cũng không báo lại với phụ huynh HS.

Giáo viên chủ nhiệm xin lỗi gia đình nạn nhân

Một diễn biến đáng chú ý là việc HĐXX cho trình chiếu nhiều đoạn video liên quan đến vụ án, được trích xuất từ camera thu giữ của gia đình cháu bé, cổng Trường Gateway, nhà ăn… Các đoạn video này đã được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, không có dấu hiệu cắt ghép.

Các đoạn video được trình chiếu cho thấy bé trai LHL không bước từ xe xuống cổng trường cùng 12 HS đi cùng.

Trả lời trước tòa, bị cáo Quy thừa nhận mình là người mặc áo trắng trong đoạn video. Khi các cháu HS xuống xe, bị cáo đã không kiểm tra mà đóng cửa luôn.

Tương tự, bị cáo Phiến cũng thừa nhận người trong đoạn video quay chiếc xe đưa đón HS chính là mình…

Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Nguyễn Bích Quy chỉ nói câu “Tôi không biết nói gì”. Bị cáo Doãn Quý Phiến thì gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân, mong HĐXX có một bản án phù hợp. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Thủy khóc, quỳ sụp xuống xin lỗi gia đình nạn nhân. Bị cáo này cũng từng bật khóc tại phần xét hỏi.

Hôm nay, 15-1, tòa sẽ tuyên án.

Cha nạn nhân: Cái chết còn nhiều uẩn khúc

Được triệu tập với tư cách đại diện cho bị hại, ông Lê Văn Sơn (cha ruột nạn nhân) cho rằng cái chết của con trai mình rất oan nghiệt, có rất nhiều uẩn khúc, rất nhiều vấn đề chưa được rõ ràng, sáng tỏ. “Trong quá trình điều tra, gia đình chúng tôi chưa cảm nhận được điều gì sáng tỏ” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng cáo trạng của VKSND quận Cầu Giấy rất sơ sài, chưa chỉ rõ trách nhiệm của những người có liên quan, các tình tiết trong vụ án chưa logic, chưa khớp với nhau…

Kể về ngày xảy ra sự việc đau lòng, ông Sơn cho biết từ thời điểm đưa cháu LHL xuống điểm đón xe cho đến cuối buổi chiều 6-8, gia đình không hề được thông báo bất cứ thông tin nào về cháu, từ điện thoại cho đến email, cũng không được giáo viên chủ nhiệm thông báo việc con trai mình vắng mặt.

Về dân sự, ông Sơn cho biết đã có thỏa thuận với nhà trường và bị cáo Nguyễn Thị Thủy nên không yêu cầu gì. Đối với hai bị cáo Nguyễn Bích Quy và Doãn Quý Phiến, ông đề nghị bồi thường cho gia đình số tiền 1 tỉ đồng. Theo ông, mức chi phí này có thể quá cao so với bình thường nhưng với sự mất mát của con ông còn rất nhiều uẩn khúc nên gia đình phải làm rất nhiều nghi lễ, rất nhiều lần…

Tuy nhiên, khi chủ tọa đề nghị gia đình cung cấp các chứng từ để HĐXX làm căn cứ giải quyết bồi thường, ông Sơn nói sự việc xảy ra khiến gia đình rất bàng hoàng, hoang mang nên mọi việc đều không có chứng từ gì…

Về hình phạt, ông Sơn cho rằng các bị cáo gây ra cái chết oan nghiệt, đầy uẩn khúc cho con trai ông, gây nỗi đau tột cùng cho gia đình. Ông đề nghị tòa xét xử nghiêm minh, rõ ràng, đúng người, đúng tội, tương xứng với hậu quả mà hành vi gây ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm