Cuối buổi sáng 15-5, HĐXX phúc thẩm vụ án Việt Á đã kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
Kiên trì kháng cáo, xin được miễn trách nhiệm hình sự
Tại phiên tòa Việt Á, các bị cáo, người liên quan, bị đơn dân sự… đều giữ nguyên kháng cáo. Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, cựu bộ trưởng đã nộp thêm 1 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương, nhận án sơ thẩm 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo: “Bị cáo được hưởng án treo, vậy xin giảm nhẹ là giảm nhẹ đến mức nào nữa?”. Bị cáo Phong cho biết bị cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC Bình Dương, người nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á được HĐXX miễn trách nhiệm hình sự.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT, nhận án sơ thẩm 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, bị cáo đã chấp hành hình phạt được gần 29 tháng. Chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo “biết là nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại nhưng bị cáo đã chấp hành gần xong án phạt thì có giữ kháng cáo nữa không?”.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Trường Giang vẫn giữ nguyên kháng cáo. Bị cáo cũng cho biết bản thân còn bị truy tố ở vụ án Việt Á xảy ra ở Khánh Hòa.
Phan Quốc Việt: Bị cáo có quyền đưa ra giá kit test
Sau khi các bị cáo trình bày về kháng cáo, HĐXX xét hỏi từng bị cáo.
Bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Việt bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 15 năm tù tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 29 năm tù.
Bị cáo Việt thừa nhận các hành vi mà bản án sơ thẩm đã kết luận. Tuy nhiên, bị cáo xin HĐXX xem xét lại khoản thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng, xem xét lại vấn đề định giá.
Chủ tịch Việt Á xin HĐXX xem xét bối cảnh phạm tội, bối cảnh dịch bệnh, “lúc đó cả nước cần Việt Á để chống dịch”. Về các tình tiết, căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo nhờ luật sư trình bày giúp.
Trình bày thay bị cáo Việt, luật sư cho rằng Tòa cấp sơ thẩm chưa áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: tích cực hợp tác, chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ giúp làm sáng tỏ bản chất vụ án.
Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Việt có tình tiết tăng nặng “lợi dụng tình hình dịch bệnh”. Luật đề nghị Tòa phúc thẩm xem lại tình tiết tăng nặng này.
Trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Việt đã nộp thêm 200 triệu đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Kết quả điều tra xác định, giá thành 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng bao gồm các loại chi phí, thuế và mức lợi nhuận 5%. Tuy nhiên, Công ty Việt Á đã "thổi giá" và được Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm.
Về nội dung này, bị cáo Việt cho rằng kit xét nghiệm không phải là mặt hàng mà Nhà nước quy định giá, giá sản phẩm theo thị trường.
“Bị cáo có quyền đưa ra mức giá, ở đây là thuận mua vừa bán” - Chủ tịch Việt Á nói.
Tuy nhiên, trả lời VKS, bị cáo Việt lại thừa nhận kit xét nghiệm là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học Nhà nước, thuộc sở hữu Nhà nước.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, bị tuyên phạt 14 năm tù về tội nhận hối lộ, số tiền 350.000 USD (hơn 8 tỉ đồng). Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và trình bày thêm các tình tiết mới.
Theo đó, bị cáo Hùng đã nộp thêm tiền để khắc phục hết hậu quả vụ án. Bị cáo cũng đã nộp 100 triệu đồng hình phạt bổ sung, nộp án phí sơ thẩm và nộp 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Ông Hùng còn trình bày thêm các thành tích của bản thân, thành tích trong lao động của vợ, thành tích của con cũng như các huân chương, huy chương của bố vợ và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.