Trước câu hỏi của báo chí về vị trí đặt bãi đỗ xe ngầm (Pháp Luật TPHCMsố ra ngày 19-12 đã phản ánh trong bài “Lại xin ‘đất vàng’ làm bãi đỗ xe”) chính là nơi UBND TP Hà Nội cho dừng dự án khách sạn SAS hồi năm 2008 đã bị dừng lại vì dư luận phản đối, nhưng giờ Hà Nội lại cho xây bãi đỗ xe, đặc biệt việc làm bãi đỗ xe sẽ lấn chiếm vào không gian xanh công viên Hà Nội vốn đang rất thiếu, liệu có hợp lý?
Ông Thịnh cho hay: "TP đã không cho xây dựng khách sạn SAS trên đó thì TP. cũng không bao giờ đồng ý những chuyện như thế cả. TP. chả dại gì khi khách sạn lại lắp nhà thép trên đó. Trước thực trạng khu đất để hoang phí, quây tôn rào, không mang lại hiệu quả gì từ năm 2008 đến nay. Trong khi các nhà đầu tư đã đầu tư một số hạng mục, giờ lấp đất không khai thác thì quả thật là lãng phí".
Ông Thịnh lý giải, để tránh lãng phí TP cần tận dụng những phần các nhà đầu tư đã làm để xây dựng siêu thị hay bãi đỗ xe… phục vụ lợi ích công cộng. Theo ông Thịnh, Hà Nội sẽ khai thác phần ngầm làm bãi đỗ xe, phần bề mặt vẫn trồng cây xanh, việc quản lý sẽ giao cho nhà đầu tư hoặc phía công viên Thống Nhất…
Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (đơn vị đề xuất nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe ngầm và kết hợp trồng cây xanh tại ô đất 295 Lê Duẩn) phân tích: Ô đất này có diện tích trên 10.300m2 đất do Trung tâm giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý. Trong phạm vi ô đất đã được đầu tư cũ tư xây dựng và cơ bản hoàn thành các hạng mục: cọc khoan nhồi, hệ thống tường vây với tổng diện tích trên 5.600m2 để làm hẫm đỗ xe (sâu 14m); chung quanh có hàng rào tạm, khu vực tầng hầm đỗ xe đã bị phế thải xây dựng lấp và không có cây xanh gây mất mỹ quan đô thị…
Theo ông Đức, việc đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ngầm bề mặt kết hợp cây xanh, dịch vụ giải trí là để tận dụng phần hạ tầng dang dở này, đồng thời phục vụ nhu cầu đỗ xe của người dân trong khu vực…