Anh Trương Thái Sơn, tổ phó tổ quản lý lưới điện 1, Đội quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn, người được mệnh danh là “Vua sáng kiến” của Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Gặp anh, tôi rất ngỡ ngàng bởi một người có dáng nhỏ nhắn, giản dị mà có đến 30 sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục tỉ đồng cho đơn vị trong 14 năm qua.
Cái khó ló cái khôn
Anh Trương Thái Sơn vốn là công nhân sản xuất trực tiếp tại Nhà máy điện Chợ Quán. Năm 2001 anh chuyển công tác đến tổ quản lý lưới điện 1 (Đội quản lý lưới điện quận 5 - Điện lực Chợ Lớn). Với năng lực công tác tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tháng 7-2007 anh được lãnh đạo Công ty Điện lực Chợ Lớn tin tưởng và giao chức vụ tổ phó tổ quản lý lưới điện 1 - Đội quản lý lưới điện. Vai trò là người quản lý, anh luôn gương mẫu trong công tác, việc gì cũng xắn tay áo làm.
Anh kể năm 2006, trong khi công tác tại Đội quản lý vận hành lưới điện 1, anh có nhiệm vụ trực tiếp sửa chữa, tiểu tu lưới điện. Khi làm nhiệm vụ tại hiện trường, anh gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể như vật tư, thiết bị không đồng bộ, dụng cụ đồ nghề không ổn định (pin của kềm ép thủy lực bị chai, không có pin để thay thế…).
Anh Trương Thái Sơn nhận vinh danh trong đại hội thi đua yêu nước của EVNHCM năm 2020. Ảnh: HƯƠNG THẢO
Bằng những kinh nghiệm và sự tìm tòi, sáng tạo, anh đã nghiên cứu ra ắcquy khô cho máy ép thủy lực để thay thế cho pin. Kết quả, không những sáng kiến này đã làm “sống” lại thiết bị mà còn làm cho năng suất lao động tăng lên. Một pin mới sử dụng cho kềm ép thủy lực chỉ ép được 10-15 lần ép/lần sạc, trong khi dùng ắcquy khô sẽ ép được 60-70 lần/lần sạc. Điều này giúp anh em trong tổ vận hành lưới điện thực hiện công tác nhanh hơn, trả điện sớm hơn cho khách hàng. Đặc biệt, sáng kiến của anh đã tiết kiệm được gần 50 triệu đồng chi phí mua sắm mới thiết bị cho đơn vị.
Đến nay, anh Sơn được lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao với 30 sáng kiến trong 14 năm qua. Có nhiều năm anh có tới bốn sáng kiến được công nhận.
Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn EVNHCMC, cho biết anh Sơn là một nhân tố tích cực, trưởng thành từ các phong trào thi đua của tổng công ty. Anh đã trở thành tấm gương điển hình tiêu biểu, là nguồn cổ vũ, khích lệ đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên của EVNHCMC.
Ông Minh cũng cho hay công đoàn tổng công ty đã phát động phong trào thi đua học tập gương Anh hùng lao động Trương Thái Sơn.
“Thi đua để trở thành người công nhân có tay nghề giỏi, có tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao. Từ đó tích cực tham gia các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển bền vững của EVNHCMC” - ông Minh nói.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2020 anh Trương Thái Sơn đã vinh dự được Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Trước đó, năm 2014, anh được nhận huân chương Lao động hạng Ba; giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 14; ba lần nhận bằng khen của Bộ Công Thương; bốn lần nhận bằng khen và huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động; bằng khen của UBND TP.HCM “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2014… và nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Nguồn nhân lực là nòng cốt
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết: Những năm qua, đơn vị đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đơn vị đã chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp. Đồng thời xây dựng và đào tạo đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực mũi nhọn, trọng tâm; đào tạo lực lượng công nhân lành nghề.
Đến nay, EVNCHCM đã có 148 chuyên gia được công nhận là kỹ sư ASEAN, 220 công nhân lành nghề và 17 kỹ sư/cử nhân tài năng đã được tổng công ty công nhận. Bên cạnh đó, EVNHCMC đã cử 25 ứng viên tham gia chương trình phát triển chuyên gia của tập đoàn.
EVNHCMC đã phát triển được 16 đội sửa chữa đường dây đang mang điện, đáp ứng cho tất cả 16 công ty điện lực khu vực. Hiện nay, tổng công ty đã hoàn tất việc đào tạo, huấn luyện đội thi công sửa chữa đường dây mạng điện (live line) cấp điện áp đến 110 kV để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đây là đội sửa chữa điện nóng 110 kV đầu tiên trong các tổng công ty điện lực của cả nước.
Song song công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện, tổng công ty thường xuyên phát động các phong trào thi đua nhằm khuyến khích mọi người nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tổng công ty đã mở cổng điện tử quản lý sáng kiến để người lao động trực tiếp đăng ký sáng kiến và giải pháp công tác. Trên cơ sở đó, hội đồng khoa học của tổng công ty sẽ xét duyệt và công nhận.
Từ năm 2015 đến nay, tổng công ty đã hoàn tất nghiệm thu hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp EVN, 14 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tổng công ty; tổng số sáng kiến các cấp được xét duyệt và công nhận là 704 sáng kiến.
Thời gian tới, EVNHCMC tiếp tục phát triển đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề có trách nhiệm và đủ năng lực để tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới.
“Đây sẽ là lực lượng nòng cốt giúp tổng công ty không ngừng nâng cao năng lực quản lý, vận hành lưới điện với thiết bị hiện đại và công nghệ ngày càng tiên tiến. Từ đó góp phần thúc đẩy hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi số của EVNHCMC vào năm 2022” - ông Thanh nhấn mạnh.•
Làm việc bằng cái tâm Anh Trương Thái Sơn chia sẻ: “Trong bất cứ công việc gì, khi bạn làm xuất phát từ lòng yêu nghề, bằng cái tâm của mình thì điều tốt đẹp sẽ đến. Bạn sẽ cảm thấy tự hào với việc mình đang làm”. Trong công tác được giao hằng ngày, phải gần gũi tiếp xúc với các đồng nghiệp, công nhân trẻ. Qua đó để biết được anh em nào yếu về tay nghề, lý thuyết về kỹ thuật, an toàn điện, từ đó thường xuyên hướng dẫn kèm cặp, nhiệt tình chỉ dẫn cho họ”. |