'Vướng luật, ra hỏi bộ, bộ trả lời trúng nhưng địa phương bó tay!'

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thời gian làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, rồi Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang.

Sáng 8-10, chủ trì Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, ông Châu có những phát biểu rất sát với thực tế.

Ông Châu nhận định pháp luật về đất đai liên tục được hoàn thiện và là công cụ để Nhà nước quản lý đất đai chặt chẽ hơn, giúp khai thông nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Và những năm qua, pháp luật về đất đai có những đóng góp quan trọng, nhất là vào phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Tuy vậy, bối cảnh mới hiện nay cho thấy Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ không ít bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khả năng khai thác, phát triển đất đai bị hạn chế, chưa giải quyết được hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp trong sử dụng đất đai. Nhiều quy định của luật chưa tương thích, đồng bộ với các luật khác, nhất là các luật sau Hiến pháp 2013.

“Điều đó tạo ra khoảng trống, kẽ hở để tổ chức, cá nhân trục lợi, nguy cơ tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân. 70% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai”, ông Châu nói.

Ông Lê Tiến Châu nói sự không tương thích pháp luật về đất đai khiến cho có kẽ hở để tổ chức, cá nhân trục lợi. Ảnh: MTTQ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, phúc đáp các đòi hỏi từ thực tế của người dân, MTTQ đã thực hiện cuộc giám sát gián tiếp thông qua các kiến nghị của địa phương nhằm cố gắng đánh giá khách quan, toàn diện nhất về Luật Đất đai 2013 và đề ra biện pháp sửa đổi toàn diện.

Trước hết, về sự tương thích pháp luật, ông Châu kể: “Tôi có thời gian công tác ở địa phương. Mỗi lần vướng là làm thủ tục gửi lên xin ý kiến bộ ngành. Mà các bộ, ngành trả lời cũng rất đúng, rất trúng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương”.

“Các bộ khi trả lời thì liệt kê ra hàng loạt quy định rồi đề nghị địa phương căn cứ vào các quy định trên áp dụng. Chúng tôi cũng bó tay!”, ông Châu nói.

Theo ông, lỗi này cũng không nằm ở các bộ, ngành mà nằm ở sự tương thích của pháp luật. Địa phương cứ vướng thì phải hỏi, hỏi thì phải chờ thời gian các bộ, ngành trả lời, mất rất nhiều thời gian.

“Trước khi về công tác ở địa phương tôi cũng làm ở bộ, nên tôi cũng hiểu, công việc nhiều. Luật đất đai sửa đổi lần này có thể không khắc phục triệt để được các vấn đề đâu, nhưng những vấn đề cơ bản thì phải khắc phục”, ông Châu nói.

Một vấn đề được ông Châu đề cập là phải cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013 của MTTQ Việt Nam có nhiều ý kiến thẳng thắn. MTTQ

Rồi về vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Châu nói cũng tiêu cực nhiều. Vấn đề tích tụ đất đai cũng là vấn đề lớn cần quan tâm nếu muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Đặc biệt, vấn đề quy định giá đất khi thu hồi, ông Châu cho rằng đó là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân về khiếu kiện”. Ông nói: “Bồi thường cho dân mấy chục ngàn/m2 thôi, sau đó giao cho doanh nghiệp, phân lô bán nền mấy chục triệu/m2. Tiền bồi thường cho dân chả đủ để họ đi đâu cả”.

Ông Châu cũng đề cập đến các vấn đề quyền sử dụng đất đai cho người dân tộc thiểu số và sự giám sát của cộng đồng đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.

“Vi phạm pháp luật về đất đai thì cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra cũng phát hiện nhiều nhưng dân phát hiện là cơ bản. Bởi vậy cần đặt ra trách nhiệm tham vấn ý kiến nhân dân, trách nhiệm giải trình của các cơ quan đại diện chủ sở hữu đất đai”, ông Châu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm