Đề thi Văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2019
Một số giáo viên nhận xét đề Văn năm nay bám sát cấu trúc đề thi minh họa. Đề thi không quá khó nhưng sẽ có nhiều em không làm tốt câu 2 phần Làm Văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông. Bởi ít em ôn kỹ phần này.
Chưa hay, ít sáng tạo
Cô Đặng Thị Huy Lam, giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức cho biết, đề thi THPT quốc gia năm nay có lẽ chưa hay so với đề minh hoạ và dễ hơn đề minh họa.
Cô Đặng Huy Lam
Cả hai phần Đọc hiểu và Làm văn đều là dạng câu hỏi, những vấn đề nghị luận quen thuộc, truyền thống chưa kích thích được nhiều sự hứng thú, sáng tạo với thí sinh nhất là thí sinh khá, giỏi thi tuyển nhóm khối C, D. Nhưng vì vậy, đề năm nay học sinh trung bình đều có thể làm bài dễ dàng.
Phần Đọc hiểu, cả bốn câu hỏi đều giúp thí sinh có được điểm dễ dàng. Trong đó câu 4 viết về hành trình chinh phục khát vọng, con người cần có ý chí, nghị lực và sự kiên cường chiến thắng sức mạnh thiên nhiên, để theo đuổi khát vọng đến cùng là câu thí sinh có thể hứng thú nhất.
Phần Làm văn, đề nghị luận xã hội dạng đề truyền thống, yêu cầu khá dễ. Vấn đề nghị luận tập trung bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống- dạng đề này thí sinh dễ kiếm tìm dẫn chứng. "Nhưng theo tôi, dạng đề này chưa phát huy tư duy phản biện của học sinh trước các vấn đề, hiện tượng có tính chất thời sự", cô Lam nói.
Câu nghị luận văn học không khó nhưng e rằng bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều học sinh chủ quan bỏ qua tác phẩm này. Đoạn văn trong đề bài tập trung khai thác vẻ đẹp đa dạng, độc đáo, thiên tinh nữ của con sông xinh đẹp mang tên Hương Giang. Từ đó thấy rõ sự phát hiện của tác giả từ góc độ địa lí, kết hợp vốn kiến thức về âm nhạc, lịch sử, văn hoá của xứ Huế để làm nổi bật vẻ đẹp đầy cá tính: vừa dữ dội, hoang dại vừa thơ mộng, trữ tình của sông Hương. Đề thi năm nay tuy dễ, điểm dưới trung bình hi vọng rất ít nhưng điểm giỏi cũng không phải sẽ nhiều.
Đề thi có tính phân hóa cao
Cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên văn trường THPT tư thục Hai Bà Trưng, quận 11, TP.HCM cho hay đề Văn có tính phân hóa cao, đề có cấu trúc tương tự như đề minh họa.
Cô Nguyễn Mai Loan
Về phần Đọc hiểu, ở câu 1 hỏi về thể thơ rất dễ, câu này học sinh trung bình, yếu đều có thể làm được. Và độ khó được nâng dần qua các câu sau. Đối với câu 2, hỏi nội dung của 2 dòng thơ, học sinh nào học theo văn mẫu, vẹt sẽ không thể làm được vì các em nhận diện câu chủ đề. Trong khi câu hỏi nêu cảm nhận câu thơ bằng chính câu thơ đó. Trong khi đó câu 3 hỏi về tác dụng của các biện pháp tu từ và các phép liên kết, các em có thể làm được vì phần này giáo viên ôn tập rất kỹ.
"Đặc biệt tôi thấy hay nhất của đề thi môn Văn năm nay nằm ở câu cuối của phần đọc hiểu và câu đầu của phần Làm văn. Những câu này không theo trend, các hiện tượng xã hội đang nóng hiện nay mà nó đi sâu vào những giá trị gốc rễ như hỏi về ý chí, nghị lực. Câu này, các em cũng dễ dàng làm được"
"Còn câu 2 của phần Làm văn sẽ khiến nhiều thí sinh và giáo viên bất ngờ vì ít ai nghĩ rằng sẽ ra tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông. Nếu học sinh chú ý đọc kỹ yêu cầu của đề thì các em mới nhận ra được cách hỏi. Cách hỏi của đề bài rất chi tiết nhưng dễ đánh lừa nếu học sinh không đọc kỹ. Đề hỏi về cách nhìn có tính chất phát hiện của tác giả. Vì thế, thí sinh phải làm thế nào lột tả được điều đó. Nên câu hỏi này sẽ làm khó thí sinh. Đánh giá chung, phần đọc hiểu hơi dài nhưng không khó, còn phần làm văn về Ai đã đặt tên cho dòng sông sẽ làm khó nhiều thí sinh nếu không ôn kỹ", cô Mai Loan nói.
Đúng cấu trúc đề tham khảo
Còn thầy Phạm Hữu Tài, (THPT Yên Hòa, Hà Nội) nhận xét đề văn ra đúng cấu trúc trong đề thi tham khảo của bộ, cấu trúc này đã được ra trong những năm trước nên học sinh không cảm thấy bất ngờ.
Đề thi bám sát chương trình 12, mức độ nhẹ nhàng, không đánh đố. Câu nghị luận xã hội ra vấn đề quen thuộc nên học sinh sẽ dễ dàng làm được. Tuy nhiên theo thầy, sự phân hóa của đề chưa cao, những học sinh giỏi văn sẽ ít có "đất" để thể hiện năng lực.
Nhìn chung, đề thi môn văn năm nay có bám sát cấu trúc đề minh họa của bộ, mang tính văn chương cao, đòi hỏi sự cảm nhận rất tinh tế và kỹ năng lập luận của thí sinh. Các câu hỏi trong đề thi năm nay có tính phân loại rất rõ ràng. Học sinh trung bình phải bám chắc đề, nắm vững văn bản thì mới có thể hoàn thành tốt bài làm. Học sinh khá, giỏi đòi hỏi lượng ngôn từ dồi dào, hiểu đề, không lan man thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu.
"Tôi dự đoán với đề thi năm nay học sinh sẽ khó đạt điểm cao, ngay ở câu I là câu đọc - hiểu vốn được xem là câu hỏi dễ nhất trong đề thi nhưng nếu học sinh không cẩn thận cũng khó đạt điểm tối đa", thầy Tài nói.