Sáng 24-10, Thường trực UBND TP.HCM đã có buổi gặp gỡ học sinh, sinh viên (HS-SV) tiêu biểu tại Nhà văn hóa SV TP (Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM).
Tại đây, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực đã được các HS-SV nêu lên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đô thị văn minh.
Dạy học còn nặng lý thuyết, thiếu thực hành
Về vấn đề học tập, em Mai Hải Yến (HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6) cho hay hiện nay chương trình học ở phổ thông chủ yếu vẫn nặng lý thuyết, thực hành rất hạn chế, chưa có ứng dụng nhiều thì làm sao đào tạo được nguồn nhân lực trẻ có chất lượng. Ở nhiều bộ môn còn thiếu trang thiết bị, lâu lâu mới có tiết thực hành.
Đồng tình ý kiến này, em Ngọc Danh (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5) cũng cho rằng hiện nay ở trường phổ thông đang thiếu các tiết dạy về kỹ năng thực hành, HS chủ yếu ngồi nghe ở lớp suốt 45 phút mà ít có cơ hội đi thực tế để rèn luyện kỹ năng. Do đó em mong muốn ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, tăng cường thêm các hình thức học tập trải nghiệm đáp ứng nhu cầu thực tế của HS.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trò chuyện với những học sinh, sinh viên tiêu biểu tại buổi gặp gỡ sáng 24-10. Ảnh: VŨ THỦY
Mong thêm cơ hội sáng tạo và phát triển ý tưởng
Em Phan Công Đức (Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết hiện có rất nhiều cuộc thi về khởi nghiệp cho SV và ý tưởng, sáng tạo của các bạn rất lớn. Tuy nhiên, các dự án đổi mới, ý tưởng, sáng tạo chỉ dừng ở các cuộc thi. Đức mong mỏi các cấp lãnh đạo TP tạo thêm điều kiện về chính sách, cơ hội, đầu tư... để phát triển các dự án khởi nghiệp của HS-SV.
Tương tự, bạn Kim Anh (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng các ý tưởng khởi nghiệp của SV hiện nay khá nhiều nhưng gặp không ít khó khăn để tiếp cận cơ hội đầu tư và lan tỏa. Do đó Kim Anh cũng góp ý cần tạo ra những hệ thống platform (nền tảng) để hội tụ các dự án, cập nhật các ý tưởng khởi nghiệp giúp cùng chia sẻ, học hỏi và tăng cơ hội tiếp cận nhà đầu tư hơn.
Về đóng góp cho TP, em Võ Văn Thiện (SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho rằng TP.HCM có nhiều tiềm năng về du lịch với nhiều điểm đến phong phú, văn hóa đặc sắc nhưng không phải ai cũng biết hết.
“Tại sao chúng ta không tận dụng công nghệ thông tin để quảng bá du lịch bằng cách tạo ra các app trên điện thoại để cập nhật thông tin chính thống và mới nhất, hấp dẫn nhất đến với người dân, khách du lịch... Trong đó có thông tin đầy đủ về từng địa điểm, dịch vụ, chi phí... để du khách tham khảo hoặc đánh giá, góp ý trực tiếp khi đã đến. Các doanh nghiệp, địa phương từ đó cũng có thể tương tác, nắm bắt, đánh giá để đổi mới phù hợp. Như vậy sẽ hiệu quả hơn việc mỗi người tự mày mò tìm kiếm thông tin như hiện nay” - Thiện chia sẻ.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều HS-SV cũng mong muốn chính quyền TP đổi mới, cải cách hành chính, dịch vụ theo hướng ứng dụng công nghệ nhiều hơn để thiết thực hơn, như tài liệu cho hội họp nên sử dụng file mềm hơn là in giấy, giải quyết hồ sơ cho dân, dùng thẻ từ đi xe buýt thay cho vé giấy...
“Đặt hàng” ý tưởng người trẻ giải quyết các vấn đề đô thị Tại buổi gặp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ trân trọng những ý kiến đóng góp của các HS-SV và sẽ gửi những ý kiến này đến các sở, ngành liên quan để nghiên cứu thực hiện. Ông Phong mong mỏi HS-SV cần chủ động nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện các kỹ năng, trong đó có ngoại ngữ. Đồng thời, các em cần tích cực tham gia nhiều hơn các hoạt động đoàn, hội để rèn luyện tốt và phát triển kỹ năng phục vụ cho học tập cũng như làm việc. Trước những thách thức của TP về tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh kéo theo những vấn đề về hạ tầng đô thị, ông Phong khuyến khích HS-SV hãy thỏa sức suy nghĩ và nêu ý tưởng, góp phần giải quyết những bài toán cụ thể như vấn đề ách tắc giao thông, tình trạng ngập, quá tải đô thị... _____________________________ Sẽ tiếp tục đổi mới dạy học Trường lớp và phòng thực hành, thí nghiệm ở TP hiện mới đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản cho HS. Năm học này TP cũng đang triển khai các dự án trường học thông minh cho năm trường. Trong đó có xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, giúp HS có cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại và điều kiện học tập tốt hơn. Thời gian tới ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới dạy học để tăng thời lượng học ngoài nhà trường, đưa thêm các nội dung dạy kỹ năng để tạo điều kiện phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho HS. Ông LÊ HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |