Xây hầm chui dưới Tượng đài Dầu khí ở TP Vũng Tàu

Mới đây, tại cuộc họp lắng nghe báo cáo phương án đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nút giao vòng xoay Tượng đài Dầu khí (đường 2/9 và đường Nguyễn An Ninh, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) của Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư là Sở GTVT tỉnh đã đề xuất đầu tư dự án hầm chui phía dưới Tượng đài Dầu khí. Cụ thể, trên đường 2/9 sẽ xây dựng hầm chui với quy mô bốn làn xe, tĩnh không 4,75 m, chiều dài gần 20 m để nối sang đường Thống Nhất.

Theo đề xuất, trên đường 2/9 sẽ xây dựng hầm chui với quy mô bốn làn xe, tĩnh không 4,75 m, chiều dài gần 20 m để nối sang đường Thống Nhất.
Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Người dân góp ý ba phương án

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu TP Vũng Tàu công khai phương án thiết kế dự kiến chọn, lấy ý kiến người dân đóng góp cho dự án. Bởi đây không chỉ là một nút giao thông chính, lượng xe đông đúc mà còn là nơi đặt Tượng đài Dầu khí, một công trình kiến trúc mang nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin về đề xuất này, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện của người dân Vũng Tàu.

Theo đó, có những ý kiến đồng tình, ủng hộ việc làm hầm chui theo hướng từ đường 2/9 qua dưới chân tượng đài sang bên đường Thống Nhất (nối dài). Tuy nhiên, yêu cầu việc thi công phải đảm bảo mỹ quan, kỹ thuật, tiến độ nhanh, không gây ùn tắc trong thi công và sau khi hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không cần đầu tư dự án hầm chui, chỉ đơn giản là bỏ tượng đài đi, lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông, phân luồng hợp lý sẽ không kẹt xe nữa. Bởi theo lập luận của các ý kiến chưa đồng tình thì nếu thi công sẽ tốn kém ngân sách nhưng không mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, có khả năng ngập úng dưới hầm chui nếu có những cơn mưa lớn, kéo dài như vừa qua tại Vũng Tàu hoặc kinh nghiệm ở một số tỉnh, TP khác…

Nhiều ý kiến khác lại đề xuất nên di dời Tượng đài Dầu khí sang một địa điểm khác như vòng xoay cầu Cửa Lấp, phường 12 - cửa ngõ vào TP Vũng Tàu, bởi nơi đó thưa dân, vòng xoay to, vị trí thuận lợi để đặt Tượng đài Dầu khí; hoặc làm cầu vượt trên cao thay vì làm hầm chui.

Giải pháp hầm chui là phương án tối ưu

Theo tìm hiểu, chủ trương lập dự án cải tạo nút giao thông Tượng đài Dầu khí được bắt đầu triển khai từ năm 2018 đến nay. Đơn vị tư vấn cùng chủ đầu tư là Sở GTVT đã tham khảo một số địa phương, nhiều ý kiến chuyên gia, sở, ngành, TP Vũng Tàu và UBND tỉnh trước khi đề xuất phương án hầm chui.

Tháng 3-2020, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đã kết luận cơ bản, thống nhất phương án thiết kế hầm chui từ đường 2/9 dưới tượng đài. TP Vũng Tàu sau đó cũng đề xuất chọn phương án hầm chui do kinh phí thấp và có ưu điểm, thuận lợi hơn trong khi thi công…

Trao đổi với PV về những băn khoăn mà dư luận đặt ra đối với phương án hầm chui này, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến người dân đóng góp, phản biện. Tuy nhiên, vị này cho hay nếu làm cầu vượt trên tượng đài thì tĩnh không sẽ khá cao, không phải phương án hợp lý.

92,5% ý kiến đồng tình phương án làm hầm chui

Ngày 2-12, UBND phường Nguyễn An Ninh đã có báo cáo kết quả lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự án cải tạo, nâng cấp nút giao Tượng đài Dầu khí, Vũng Tàu. Theo đó, phường Nguyễn An Ninh đã niêm yết công khai bản vẽ phương án thiết kế hầm chui qua dưới Tượng đài Dầu khí như đề xuất của tư vấn và Sở GTVT. Kết quả, tổng số phiếu phát ra là 2.021 phiếu, tổng số phiếu thu vào là 1.949 phiếu. Trong đó, ý kiến đồng tình phương án hầm chui chiếm 92,5%.

 

Phương án đập bỏ tượng đài, công trình đầu tư mấy chục tỉ đồng, biểu tượng của ngành dầu khí - một ngành kinh tế trọng điểm, gắn liền với sự phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu theo ý kiến nhiều chuyên gia, cựu lãnh đạo tỉnh và người dân là không nên, lãng phí.

Về đề xuất di dời tượng ra vòng xoay cầu Cửa Lấp, phường 12, sở cũng đã có tính toán. Tuy nhiên, nhiều năm sau khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu xây dựng xong, khu vực quanh đó nhiều dự án mới đang triển khai, dân cư đông đúc, lượng xe khá đông, cũng vẫn sẽ phải tính toán làm hầm chui hay cầu vượt nữa. “Khi chọn phương án hầm chui, đơn vị tư vấn cũng đã có giải pháp kỹ thuật lắp máy bơm công suất lớn hai bên để xử lý khi mưa lớn, không gây tình trạng ngập úng” - lãnh đạo Sở GTVT lý giải.

Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro không có ý kiến…

Việc chỉnh trang nút giao này cũng được lấy ý kiến của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (đơn vị chủ đầu tư công trình Tượng đài Dầu khí Vũng Tàu trước đây). Theo Vietsovpetro, về lựa chọn phương án thiết kế cải tạo, nâng cấp nút giao Tượng đài Dầu khí thuộc lĩnh vực chuyên môn, Vietsovpetro không có ý kiến. Tuy nhiên, về góc độ ý nghĩa của tượng đài, Vietsovpetro mong muốn đây tiếp tục là công trình mang biểu tượng của mối quan hệ gắn bó giữa Vietsovpetro và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. “Trong trường hợp phải di dời Tượng đài Dầu khí đến vị trí khác, Liên doanh Việt -Nga Vietsovpetro kính đề nghị Sở GTVT nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng mới mang tính ổn định, lâu dài và thuận lợi cho việc quảng bá rộng rãi về nội dung, ý nghĩa của Tượng đài Dầu khí đối với nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và du khách” - văn bản của Vietsovpetro nêu.

 

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở GTVT, trục đường 2/9 qua Thống Nhất nối dài hiện nay sẽ tiếp tục được triển khai thi công qua Lê Hồng Phong nối thẳng đến khu vực Bãi Trước. Đây là trục đường chính sắp tới của Vũng Tàu, lưu lượng xe cũng sẽ rất lớn. Do vậy, giải pháp hầm chui là phương án tối ưu hơn cả.

Sắp tới, UBND tỉnh sẽ làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu để báo cáo, xin ý kiến phương án hầm chui nói trên.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm