Quê hương của người A Rem xanh tươi trong khắc nghiệt.
Tiếng buồn dưới chân bằng
Con đường từ Rục Cà Roòng trở về bản phải đi qua những ngọn núi cao, lối lên có đoạn dựng đứng. Thấy chúng tôi chuẩn bị những chai nước từ bờ suối, Đinh Rầu khoát tay: “Không cần đâu. Mang vác nặng, nhiều nước dễ mệt”. Nghe lời ông, không ai mang nước thêm.
Đi từng đoạn dốc hiểm trở vượt mặt chừng đến kỳ khát, Đinh Rầu, Đinh Lâm, Đinh Khinh...rẻ vào vạt rừng tối om, chặt một lúc rồi đưa ra mớ dây rừng to như cổ tay, phát mỗi người một khúc, bảo uống cho đã. Thấy khách lúng túng, Đinh Rầu dốc ngược lên, ngửa mặt ra, dòng nước từ dây leo chảy mạnh vào vòm họng. Chúng tôi làm theo, ngon ngọt, mát đến kỳ lạ. Ngon là vị thảo dược trong dây leo, ngọt cũng là vì cây cối có lượng đường tự nhiên, mát là chúng nằm trong tán rừng rậm.
Đinh Rầu hướng dẫn cách lấy nước từ cây rừng.
Nhiều đoạn núi đầy dây rừng có vị khoai hoặc vị lúa chín, có những đoạn dây chặt ra có mùi của dâu, có khi nghe vị chát mặn mòi. Tất cả chúng tôi đều được giải thích và cách nhận biết cơ bản nhất những loại dây leo lành tính, không độc, uống vào không chỉ giải khát mà còn tốt cho sức khỏe.
Lội ngược núi nhiều giờ liền cũng về trung tâm xã. Quả thực thấy bóng người dân bản chúng tôi khá vui. Nhưng những người dẫn đường nói một câu rất chưng hửng: “Về bản buồn bác ạ”. Trong bản có đầy đủ đi lại, quán sá, gạo cơm, trường học, y tế...sao lại buồn? Đinh Lâm trả lời: “Ít nước. Cả bản chỉ một cái giếng khoan, có khi nước vui thì nó lên nhiều, nước buồn thì nó không lên, nhiều người cả tháng không tắm. Về dưới đó có suối, tiếng nước chảy nghe vui, thích, tắm lúc nào cũng được”.
Người A Rem nếu xa nguồn nước, họ khó khăn trong cả cách nói năng chứ chưa nói về lao động. Xuống được suối của họ, mọi người ai nấy hoạt bát. Nay nghe câu chuyện đó, chúng tôi bất giác nhìn những trường học, trạm xá...hiện đại mà thấy buồn dưới chân đất bằng.
A Rem giữa văn minh
Qua thế kỷ 21 đã 15 năm, những viễn xưa của người A Rem vẫn còn bảo lưu trong máu thịt của họ. Nhưng nền văn minh hiện đại cũng nhen nhóm trong giới trẻ tộc người này.
Có hai thứ hiện diện rõ. Xe máy và điện thoại. Cả bản có hơn 10 chiếc xe máy nhưng không ai có bằng lái. Nó chỉ chạy vòng quanh trong bản. Hai năm trước xe chạy được trên đường, nhưng bây giờ chỉ còn một vài chiếc cọc cạch với khói đen kịt chói tai.
Đinh Đu, một người già trong bản giải thích: “Bọn thanh niên thích xe máy lắm. Chúng mua lại xe cũ của người dưới xuôi. Chạy hết xăng, không còn tiền cho nó uống xăng thì vứt dưới sàn. Ai có tiền đổ xăng thì chủ cho mượn đi thoải mái trong bản”.
Xe máy của người A Rem.
Ông Nguyễn Chí Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã nói thêm: “Người A Rem có xe máy là trận lũ lịch sử năm 2010 làm một số con suối bị xới tung đáy, gỗ huê trồi lên sau lũ, họ được huê, bán tiền triệu rồi mua xe máy”.
Dưới căn nhà sàn của Đinh Niu có ba chiếc xe máy bị lột bánh sau, hỏi ra mới biết xe nào trong bản bị hỏng ít thì tháo xe hỏng nhiều lắp vào để đi. Chiếc xe máy hiện không còn sở hữu của riêng ai, trở thành của chung. Chạy cho đến kỳ hỏng máy, lột biên, khô dầu, bánh xẹp lép, xích đứt, điện hỏng...thì để dưới mái nhà sàn, không cần để mắt đến. Và ai cũng dần quên đã từng chạy xe máy, rú ga rồ rồ khắp bản.
Việc hiện đại thứ hai mà anh em A Rem có là những chiếc điện thoại bàn phím, màn hình màu có chụp ảnh, nghe nhạc và video clip. Nhưng như Đinh Khinh, có điện thoại không phải dùng để gọi bởi anh không có bạn bè miền xuôi. Còn trong bản, liên lạc với ai thì ... đi bộ vẫn nhanh hơn vì cột sóng ở trung tâm xã khi được khi mất mà không phải ai cũng có điện thoại như Đinh Khinh.
Đinh Khinh đi đâu cũng có điện thoại để nghe nhạc.
Trong chuyến hành trình rừng rậm, Đinh Khinh luôn mang điện thoại bên mình để nghe nhạc. Ở vùng này không có điện, Khinh và thanh niên A Rem chế ra cách xạc pin điện thoại bằng lấy nguồn từ 4 hoặc 8 viên pin con thỏ. Đấy là bộ xạc điện hữu dụng của thanh niên ở đây. Khi pin điện thoại bị chai, không tiếp nguồn được, thanh niên A Rem lại bắt nguồn trực tiếp từ pin con thỏ vào máy để dùng.
*******************
Chuyến đi của chúng tôi cũng vượt qua hàng chục hang động ở quê hương anh em A Rem. Đấy là hệ thống hang động như hang Cổng Trời, hang Klung Klang, hang Đại Cáo...tất cả đều hùng vĩ với vẻ đẹp lạ thường.
Có một số hang động chúng tôi chỉ được phép đứng ngoài cửa hang, bên trong còn đồ xưa của tổ tiên A Rem, có những hang bí mật với chum sành từ thời xa lắc, chỉ phép nhìn qua, không được ghi hình. Phải chắc chắn tôn trọng phép ứng xử của cuộc đi do người anh em ở đây đặt định mới có thể vào vùng đất thiêng của họ. Miền viễn xưa A Rem thật sự tuyệt vời và cuốn hút. Cách sinh tồn cũng như hiếu khách đã cho chúng tôi nhận thức rất khác về tộc người này. Họ thật sự không ỷ lại mà cần cù, chất phác, thông minh, dí dỏm. Biết bảo vệ tự nhiên một cách tự tin và hào sảng, không toan tính thiệt hơn.
Khu rừng sưa bí mật
Vườn sưa rậm rạp của người A Rem. Chúng tôi được dẫn đến một khu rừng mà anh em A Rem ai cũng biết, với người lạ, nơi đó rất bí mật. Phải thuyết phục lâu lắm mới được cho qua. Đó là một khu rừng sưa xanh mướt, trồng đã nhiều năm, không ít cây to chắc, giá hàng chục triệu mỗi cây nhưng chưa được bán. Bởi người A Rem đang muốn bảo vệ cho rừng sưa hơn 8ha này phát triển tốt hơn để nhớ ơn cán bộ dưới xuôi đã dày công sưu tầm sưa về cho họ. Đinh Rầu kể: “Đó là những cán bộ vì dân bản. Thấy dân bản đói kém, khó khăn, họ muốn trồng thứ cây này để đồng bào sau này thiếu thốn thì bán dần cành, nhánh hoặc cả cây để có gạo, có cơm, có ấm no”. Vùng A Rem, xưa từng là thủ phủ cửa sưa xứ Đông Dương. Sưa ở đây tốt hàng đầu ở rặng Trường Sơn vì mọc trên núi đá. Nhưng nó đã bị khai thác cạn kiệt nên 8ha rừng sưa của người A Rem như báu vật. Vì thế nó được canh giữ cẩn thận, dân bản chia từng gia đình giữ sưa mỗi ngày. Tất cả sưa ở đây đều đã chia cho các hộ dân, mỗi gia đình có trách nhiệm chăm sóc từng gốc sưa, vệ sinh cây cỏ. Chúng tôi chưa bao giờ ở dưới tán một rừng sưa thuần chủng tiền tỷ như thế. Mỗi năm đi qua, giá trị rừng sưa này được nhân lên rất nhiều lần. Bởi đất nó sống là quê hương xa xưa của gỗ sưa, nơi hòa trộn những khắc nghiệt được đẩy tới giới hạn về khí hậu, đất đai trên đá vôi. Chúng tôi được phép chụp ảnh rừng sưa khi Đinh Rầu đồng ý với điều kiện không được chụp lối mòn dẫn đến khu rừng hiếm có này. Bởi việc tiết lộ nơi nào, rừng sưa khó có thể bảo toàn. Bí mật như thế mà người A Rem từng bị trộm hai cây sưa cả trăm triệu. Mọi người tiếc đứt ruột. Nên bây giờ, trước mắt chúng tôi, họ vẫn cảnh giác giữ cho kỳ được không lọt nhiều hình ảnh vào ống kính. |