Ngày 15-9, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên giải trình về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trên địa bàn TP.HCM.
Vấn đề được các đại biểu (ĐB) quan tâm đặt câu hỏi là đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp trong đảm bảo trật tự đô thị, quản lý lòng lề đường, vỉa hè và về phát triển vận tải hành khách công cộng.
Ùn tắc giao thông, trật tự vỉa hè vẫn nan giải
ĐB Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, truyền đạt ý kiến của cử tri rằng TP chưa có giải pháp mang tính chiến lược trong kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trật tự lòng lề đường, vỉa hè.
ĐB Tăng Hữu Phong thì nêu việc bà con chọn “leo lề” khi ùn tắc giao thông và đặt vấn đề: Ngoài ý thức thì TP đã nhìn ra được nguyên nhân cụ thể gì và có giải pháp ra sao?
Còn theo ĐB Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông tại các cửa ngõ của TP vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Vì vậy cần đánh giá việc khai thác, nâng cao hiệu quả hạ tầng giao thông, có giải pháp để sử dụng giao thông hiện hữu chứ không chỉ trông chờ vào các dự án trọng điểm.
Các ĐB cũng quan tâm việc vận dụng Nghị quyết 98 để khai thác tối đa các cơ hội, nguồn lực để thúc đẩy phát triển giao thông TP, tổ chức giao thông công cộng khi tuyến metro số 1 đi vào vận hành chính thức.
TP.HCM rà soát các dự án giao thông trọng điểm, xác định thứ tự ưu tiên để cân đối, bố trí vốn đầu tư hiệu quả.
Hạ tầng chưa đáp ứng
Tại phiên giải trình, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, cho biết tình trạng người tham gia giao thông leo lên lề đường, vỉa hè vào giờ cao điểm có nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi vẫn là ý thức của người tham gia giao thông với lối nghĩ “tiện cho bản thân mình là được”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ thêm dù có sự quan tâm nhưng hạ tầng giao thông vẫn chưa thể đáp ứng.
Hiện TP có hơn 4.900 km đường bộ, mật độ đường giao thông là 2,34 km/km2 (tương đương 25% quy chuẩn). Diện tích đất cho giao thông cũng chỉ 13%, tương đương 54% quy chuẩn.
Ông Cường nói trong quá trình phát triển đô thị, tình trạng xử lý buôn bán lấn chiếm, sử dụng lòng đường, vỉa hè chưa có hiệu quả, chưa bền vững, cũng như chưa mạnh dạn để xử lý triệt để.
Thời gian tới, ông Bùi Xuân Cường yêu cầu Ban ATGT TP đưa ra một số địa bàn còn phức tạp về vấn đề lòng đường, vỉa hè để xử lý cho rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ để xảy ra vi phạm sử dụng lòng lề đường dẫn đến tai nạn giao thông.
Về công tác đảm bảo ATGT toàn TP, đại diện lãnh đạo UBND TP cho biết sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, xử phạt và điều phối giao thông, xử lý các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông…
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao
Trong sáu tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông giảm trên 10% nhưng chưa bền vững, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không có các giải pháp quyết liệt.
Tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM có chiều hướng gia tăng trở lại.
TP phát sinh thêm sáu điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nếu như đầu năm 2022, TP.HCM có 18 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông thì đến nay là 24 điểm.
Xử lý dứt điểm các “điểm đen” tai nạn giao thông
Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND TP.HCM rà soát các dự án giao thông trọng điểm, đánh giá tác động, xác định thứ tự ưu tiên để cân đối, bố trí vốn đầu tư hiệu quả. Trong đó, ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện.
HĐND TP cũng yêu cầu khắc phục các hạn chế trong quản lý trật tự đô thị, quản lý lòng đường, vỉa hè, chuẩn bị kỹ tờ trình về quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trình HĐND TP xem xét, cần nghiên cứu số lượng, chế độ chính sách đối với lực lượng quản lý đô thị.
Các cơ quan tập trung kéo giảm, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khắc phục các điểm còn chưa hợp lý về giao thông ngay trong năm nay.
Bà Lệ cũng yêu cầu UBND TP có sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án“Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát phương tiện xe cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP” đã được HĐND TP cho ý kiến.
UBND TP, Công an TP cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm trong tác phong, văn hóa ứng xử, thực hiện quy định trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, ATGT.•
Ngăn ngừa tiêu cực trong đăng kiểm, sát hạch lái xe
Giải trình về kiểm soát tải trọng, kiểm định, ý thức công vụ của đội ngũ trực tiếp tham gia đảm bảo trật tự, ATGT và các hoạt động sát hạch, đào tạo, cấp bằng lái, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng cho biết: Đó là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực nên sẽ tổ chức kiểm tra nội bộ và giao cho thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động này.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng mới hệ thống phần mềm quản lý để người dân có thể đăng ký online, đảm bảo tính bảo mật, hạn chế sự can thiệp, sửa chữa đến kết quả kiểm định phương tiện, tránh tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.
Tại TP.HCM, sở đã ban hành bộ tiêu chí riêng như một công cụ đo lường để so sánh chất lượng của các trung tâm sát hạch lái xe, thúc đẩy quá trình cải tiến chất lượng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh tại các trung tâm sát hạch lái xe.
Sở GTVT sẽ xây dựng thêm các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trên địa bàn TP. Kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, các bến bãi, kho hàng, các đầu mối hàng hóa vi phạm nội dung cam kết đã ký về không xếp hàng quá tải trọng cho tất cả phương tiện ra vào giao nhận hàng...