Xử lý sao khi thu nhập thấp, tài sản nhiều?

“Tham nhũng không chỉ có tài sản mà còn hối lộ tình dục, trao đổi chức vụ, bằng cấp, học hành… Những trường hợp tham nhũng ngoài tài sản vật chất thì vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) phải thực hiện như thế nào?” - GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), nêu tại hội thảo“Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 13-3.

Hối lộ tình dục thì thu hồi tài sản thế nào?

Theo GS Hạnh, vấn đề thu hồi TSTN mà chỉ dùng từ tài sản không thì sẽ “lọt” nhiều thứ không áp dụng được và nhiều hành vi hối lộ không áp dụng được. “Một ông thứ trưởng muốn có bằng tiến sĩ thì ông ấy có thể đánh đổi bằng mọi cách để có bằng như bổ nhiệm con ông hiệu trưởng một đại học vào vị trí nào đó mà không đủ điều kiện, không đúng quy trình. Khi chúng ta thu hồi tài sản thì thu hồi cái gì ở đây?” - ông Hạnh ví dụ.

Ông Hạnh cho rằng tham nhũng bằng tình dục cũng vậy. “Một quan chức nhận một giây phút sung sướng nào đó rồi bố trí cho cô gái ấy vào vị trí A, B, C thì thu hồi tài sản không chuẩn trong trường hợp này”. Vì vậy ông đề nghị cần tiếp cận TSTN rộng hơn để phù hợp với công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

“Chúng ta làm phải tính đến việc thu hồi không chỉ là tài sản mà cả lợi ích khác có được từ tham nhũng phải hủy. Nếu không, một lúc nào đó các quan chức không cần đến tiền bạc, tài sản mà cần sự ăn chơi, trác táng. Tham nhũng theo kiểu đó thì thu hồi tài sản làm sao xử lý được” - ông Hạnh cảnh báo.

Chưa hình sự hành vi làm giàu bất chính

 Để nâng cao hiệu quả thu hồi TSTN, các chuyên gia đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về tội làm giàu bất chính. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, TS Phạm Quý Tỵ cho rằng chưa thể quy định trong BLHS một điều luật về tội làm giàu bất chính.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương, lý giải thêm, chưa thể hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính vì hành vi này liên quan nhiều quy định chứ không chỉ BLHS. Ông Tuấn cho biết hiện nay đề án cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đang khẩn trương hoàn thành sớm để có cơ sở xác minh đâu là tài sản làm giàu bất chính. “Quy định trong BLHS về hành vi làm giàu bất chính thì chúng ta cần hoàn thiện tính hệ thống để hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Bởi vì việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến quyền hiến định về bí mật tài sản công dân. Nếu chúng ta làm không thận trọng, chặt chẽ có thể có những tác động ngược” - ông Tuấn phân tích.

Cần giải pháp đột phá

TS Tỵ đồng tình với đề nghị cần xây dựng lộ trình để xử lý những tài sản của công chức nhà nước tăng lên đáng kể so với thu nhập chính đáng của họ. “Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý dữ liệu về tài sản đăng ký. Cùng với đó là quy định về các biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt và bảo đảm thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội. Ngoài ra cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế và quản lý thông tin về người nộp thuế” - ông Tỵ đề nghị.

GS Hạnh cũng cho rằng việc thu hồi TSTN phải đặt trong tương quan với luật thuế, luật đầu tư, đấu thầu là những lĩnh vực hiện nay đánh giá là cội nguồn của tham nhũng. Ngoài ra, ông Hạnh cho rằng thu hồi TSTN không chỉ chờ đến quyết định của tòa án, qua thủ tục hành chính, qua văn bản. “Chúng ta cần phải có giải pháp đột phá. Đột phá ở đây là không cần chờ tới khi có bản án thì mới xử lý TSTN tham nhũng. Bởi thực tế cho thấy có những vụ án tham nhũng kéo dài cả 10 năm thì làm sao thu hồi được TSTN.

Thu nhập của anh như thế này mà tài sản anh nhiều thế kia mà anh không chứng minh đó là tài sản hợp pháp thì khối tài sản này là bất hợp pháp. Chúng ta có thể làm được dựa trên những mối liên kết với thuế, chứng khoán để chứng minh được nguồn gốc tài sản thuộc thu nhập bất hợp pháp và thu hồi được” - ông Hạnh quả quyết.

Tích cực phát hiện hành vi tham nhũng nhưng bảo đảm danh dự cho công dân

Trả lời thông tin tố cáo tham nhũng trước Đại hội Đảng các cấp, ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương, cho biết: Thông tin tố cáo về ban tương đối nhiều, quan trọng là phải thông tin chính thức. Trên mạng xã hội cũng có những thông tin mới đọc dễ cảm thấy là sự thật nhưng xác định đúng hay không phải có quy trình làm rõ. Một mặt chúng ta tích cực phát hiện hành vi tham nhũng, mặt khác chúng ta phải đảm bảo danh dự cho công dân, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là những thông tin liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm