Trong số 1.000 người tham dự, có nhiều người là thân nhân những người đã mất vì dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tại TP.HCM, Hội trường Thống Nhất là điểm cầu chính tổ chức lễ tưởng niệm với gần 1.000 đại biểu. Đến dự có ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cùng nhiều lãnh đạo khác.
Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã mất do COVID-19. Rất nhiều người đã rơi lệ, lấy tay lau nước mắt.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thực hiện nghi thức tưởng niệm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Sau đó, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại lễ tưởng niệm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19. “Xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng” - ông Chiến xúc động nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thắp hưởng tưởng nhớ người đã mất do COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ông Chiến cho biết đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, chan chứa yêu thương, lay động lòng người như những ATM gạo, ATM ô xy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “suất ăn miễn phí”, nhường cơm xẻ áo cho nhau trong lúc khó khăn, thiếu thốn thật trân quý.
Hàng triệu “phần quà đại đoàn kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Nhiều người không cầm được nước mắt tại buổi lễ tưởng niệm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cùng với đó, hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình.
“Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ. Có những người khi bố mẹ từ trần không thể về chịu tang, thật là xót thương” - ông Chiến xúc động và cho biết trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sỹ… bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã hy sinh.
Đại dịch cũng đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm, cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Đại dịch cũng để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời. “Thật là xót thương, nhói lòng, rơi lệ” - ông Chiến xúc động.