Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Ngoài việc nâng mức phạt vi phạm trong hoạt động thông tin báo chí tăng gấp đôi, dự thảo nghị định còn bổ sung nhiều quy định mới trong xử phạt các vi phạm liên quan đến nhà báo và hoạt động báo chí.
Nếu được thông qua, các quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.
Uy hiếp nhà báo: Phạt nặng
Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản đã tăng gấp đôi tất cả mức phạt liên quan đến các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, đặc biệt là cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, PV. Cụ thể, người nào có hành vi cản trở hoạt động của nhà báo, PV sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng.
Với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, PV khi họ đang hoạt động nghề nghiệp, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền 20-40 triệu đồng.
Đặc biệt, các hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, PV, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, PV sẽ bị xử phạt 40-60 triệu đồng.
Các nhà báo đang tác nghiệp tại một hội nghị ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Siết chặt quản lý thẻ nhà báo
Dự thảo bỏ quy định xử phạt người cho mượn thẻ nhà báo, chỉ phạt người mượn thẻ. Theo đó, hành vi sử dụng thẻ nhà báo của người khác hoặc sử dụng thẻ nhà báo giả để hoạt động báo chí sẽ bị phạt 2-6 triệu đồng (quy định hiện hành chỉ phạt 1-3 triệu đồng). Hành vi sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa, hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí cũng bị phạt mức này.
Dự thảo cũng bổ sung quy định mới xử phạt cơ quan báo chí 2-6 triệu đồng nếu không thông báo bằng văn bản về các trường hợp không còn là đối tượng được cấp thẻ nhà báo, người được cấp thẻ đã nghỉ hưu… và không thu lại thẻ nhà báo, không nộp về Bộ TT&TT. Quy định này được cho là nhằm siết chặt việc sử dụng thẻ báo chí trong tình hình hiện nay khi có khá nhiều đối tượng mạo danh nhà báo sử dụng thẻ nhà báo để đi lừa đảo và trục lợi người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo cũng tăng gấp đôi mức phạt đối với hành vi mạo danh nhà báo, PV để hoạt động báo chí và tăng gấp bốn lần mức xử phạt so với quy định hiện hành. Theo đó, hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, PV để trục lợi sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.
Bổ sung quy định bảo vệ đời tư cá nhân
Ngoài việc tăng nặng hầu như tất cả vi phạm trong hoạt động thông tin báo chí, dự thảo nghị định còn bổ sung mới nhiều nội dung báo chí không được thông tin, đặc biệt là các thông tin về đời tư cá nhân.
Cụ thể, hành vi công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người đó sẽ bị phạt 2-6 triệu đồng. Tương tự, đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó cũng sẽ bị xử phạt mức tương tự (trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác).
Phạt 10-20 triệu đồng nếu báo chí đăng, phát thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Báo chí quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án cũng bị xử phạt mức này.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, hành vi này sẽ bị xử phạt đến 20 triệu đồng.
Các vi phạm bị phạt đến 200 triệu đồng Dưới đây là một số hành vi mới mà dự thảo nghị định đưa vào để xử phạt với mức phạt rất nặng: Phạt tiền 140-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: a) Đăng, phát thông tin có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý; b) Kích động chiến tranh; c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; d) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, gây chia rẽ các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, gây chia rẽ tôn giáo…; đ) Xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế; e) Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước. (Khoản 6 Điều 8 dự thảo) Các hành vi tăng gấp đôi mức phạt Minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin phạt 2-6 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 8). Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng phạt 40-60 triệu đồng (khoản 5 Điều 8). Miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh phạt đến 20 triệu đồng (điểm b khoản 3 Điều 8). Phạt 2-6 triệu đồng đối với cơ quan báo chí không có chuyên mục riêng tại trang chủ của báo điện tử để thực hiện cải chính, xin lỗi (điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo). * Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng máy photocopy và các thiết bị in khác để nhân bản trái phép báo chí, xuất bản phẩm nhằm mục đích kinh doanh hoặc lưu hành rộng rãi. (Khoản 1 Điều 29 dự thảo nghị định) |