Quy định ghi âm, ghi hình ngụy trang có ‘trói’ báo chí?

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết như trên tại hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 12-4.

Cơ quan báo chí nên có quan điểm

Dư luận những ngày qua rất quan tâm đến dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đặc biệt là nội dung khoản 3 Điều 4. Theo đó: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Về vấn đề này, tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan báo chí bày tỏ quan điểm vấn đề sử dụng các thiết bị nghe, nhìn đối với hoạt động báo chí bởi đây là vấn đề rất quan trọng.

Về phía Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Tuyên giáo, Ban Dân chủ và Pháp luật của MTTQ Việt Nam “rà soát lại tất cả văn bản pháp luật, từ Hiến pháp, để xem quy định này có hợp hiến, hợp pháp hay không”. Cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các cơ quan của MTTQ Việt Nam đối chiếu kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình như thế nào để trên cơ sở đó Mặt trận sẽ có kiến nghị về vấn đề này với Chính phủ.

“Tôi sẽ phát biểu chính kiến của MTTQ Việt Nam về vấn đề này trong phiên họp Chính phủ tới đây” - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Có hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”

Tại hội nghị, một vấn đề được nhiều đại diện cơ quan báo chí chia sẻ là tình trạng bị can thiệp khi phản ánh các vấn đề tiêu cực, tham nhũng. “Hiện nay không thể tránh khỏi vấn đề sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” - ông Vũ Tiến, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, cho hay.

Theo ông Tiến, cần phải công khai và minh bạch lý do vì sao phải gỡ bài bởi nếu PV bị ngăn, bị gỡ bài viết mà không được minh bạch về thông tin thì sau này sẽ không có động lực để làm việc, cống hiến.

Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên, cũng cho biết khi viết bài phê bình, phản ánh, phản biện lại những hiện tượng tiêu cực ở các bộ, ngành, địa phương, báo thường nhận được nhiều phản ứng, nhiều áp lực. Bà Thảo gọi đó là những áp lực mềm đối với những người làm báo. “Nếu đến 10 giờ sáng mà không nhận được một cuộc điện thoại nào thì coi như ngày đó yên bình” - bà Thảo cho hay.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng việc bảo vệ những PV hành nghề trung thực, dấn thân là điều rất cần thiết.

Đối với MTTQ các cấp, ông Nhân đề nghị hằng tuần phải lên tiếng, vào cuộc giám sát những hiện tượng, vụ việc tiêu cực mà báo chí đăng tải về địa phương mình. “Nếu chỉ có báo đăng mà không có người tác động xử lý thì vụ việc sẽ rơi vào im lặng. Chỉ có Mặt trận và các tổ chức thành viên tích cực tham gia vào các vụ việc này để giải quyết đến cùng những vụ việc tiêu cực mà báo chí phản ánh” - ông Nhân kết luận.

MTTQ Việt Nam đã kiến nghị với Thủ tướng những giải pháp để bảo đảm quy chế phát ngôn được thực hiện nghiêm. Sắp tới, Mặt trận sẽ làm việc với năm bộ và năm địa phương về vấn đề công khai các kết luận thanh tra, công khai các kết quả đấu thầu để báo chí và nhân dân có thể giám sát. Đây cũng là những nguồn tin quan trọng của báo chí.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam NGUYỄN THIỆN NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm