Ngày 13-4, thông tin từ cô Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, tuần qua các cơ quan gồm Biên phòng Cà Mau, Công an tỉnh Cà Mau đã xúc tiến hỗ trợ làm hồ sơ giải quyết chế độ chính sách cho Lữ Anh Dồi.
Theo đó, ngày 7-4, Biên phòng Cà Mau cử Trung tá Bùi Ngọc Lưu liên hệ với gia đình ông Lữ Anh Dồi tiến hành các thủ tục để công nhận Thiếu úy Lữ Anh Dồi là liệt sĩ.
Trong ngày này, Trung tá Lưu đã đến nơi chôn cất ông Lữ Anh Dồi (ở ấp Tân Thành, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, Cà Mau) thăm hỏi gia đình và thực hiện các công việc cần thiết hoàn tất hồ sơ đề xuất công nhận liệt sĩ cho ông Dồi.
Biên phòng Cà Mau khảo sát mộ ông Lữ Anh Dồi.
Mộ Thiếu úy Lữ Anh Dồi có thể được di dời về nghĩa trang liệt sĩ khi ông được công nhận là liệt sĩ.
Ngày 12-4, Công an tỉnh Cà Mau cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ bà Nguyễn Thị Mai thực hiện một số thủ tục để giải quyết các chế độ chính sách khác như Huân, Huy chương và chế độ khác.
Cô Nguyễn Thị Mai cho biết cô cùng gia đình rất vui mừng và đang gấp rút, khẩn trương thực hiện tất cả thủ tục theo hướng dẫn của hai đơn vị nói trên.
Biên phòng Cà Mau thăm hỏi gia đình thân nhân Lữ Anh Dồi.
Như chúng tôi đã thông tin, cuối tháng 2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp lắng nghe báo cáo từ các cơ quan chức năng vụ Thiếu úy Lữ Anh Dồi và đã đồng ý công nhận liệt sĩ cho ông Dồi.
Theo nguồn tin của chúng tôi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có công văn chỉ đạo Biên phòng Cà Mau tiến hành các thủ tục để công nhận liệt sĩ cho ông Dồi.
Như chúng tôi đã thông tin, năm 1979, tại tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu) xảy ra vụ oan án lớn. Thiếu úy Lữ Anh Dồi bị một số đồng nghiệp biến chất âm mưu sát hại và đổ tội phản quốc. Vợ ông Dồi là cô Nguyễn Thị Mai, lúc ấy là một cô giáo đã phát hiện những điều khả nghi về cái chết của chồng nên đã bỏ cả nghề để đi kêu oan cho chồng. Sau mười năm kêu oan, cô đã gặp được cố Thủ tướng Nguyễn Văn Linh. Từ đó vụ án được phơi bày ra ánh sáng, những người hãm hại Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã bị pháp luật trừng trị.
Sau khi giải oan cho chồng khỏi tai tiếng phản quốc, cô Nguyễn Thị Mai tiếp tục đề xuất Nhà nước xem xét công nhận chồng mình là liệt sĩ. Sau 27 năm đeo đuổi, cuối cùng cô cũng đã thỏa được tâm nguyện của đời mình.