Di ảnh Thiếu úy Lữ Anh Dồi tại nhà.
Lý do mà Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau không thống nhất đề xuất xem xét công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi dựa vào một nửa câu văn trong bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án Quân sự cấp cao năm 1989.
Cụ thể: “Trong thời gian này, Dồi có khuyết điểm trong sinh hoạt và chính Dồi cũng đi làm nhiệm vụ trung gian móc nối số người vượt biên để liên hệ với Thái Văn Hùng với sự chỉ huy, chỉ đạo của Nguyễn Ngọc”. Khi trả lời Pháp luật TP.HCM, lãnh đạo cơ quan này nói: “Nếu không có nội dung này, chúng tôi đã thống nhất đề xuất xem xét công nhận liệt sĩ cho ông Dồi”.
Thế nhưng so sánh với bản án gốc thì thấy câu văn này đã được trích không hết ý, bị “bẻ” đi phần cuối vô cùng quan trọng. Phần nội dung đó là: “Trong thời gian này, Dồi có khuyết điểm trong sinh hoạt và chính Dồi cũng đi làm nhiệm vụ trung gian móc nối số người vượt biên để liên hệ với Thái Văn Hùng với sự chỉ huy, chỉ đạo của Nguyễn Ngọc và đây là một việc làm của Công an Minh Hải lúc bấy giờ. Chính số người vượt biên cũng tin vào Hùng là người tổ chức đi vượt biên với họ. Còn Lữ Anh Dồi là trung gian móc nối và bị đưa vào bẫy mà Dồi không hề biết”.
Cả đoạn này nhằm phân tích việc trung tá Nguyễn Ngọc (phó trưởng Ty Công an kiêm chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Minh Hải cũ) gài bẫy ông Lữ Anh Dồi, sau đó sắp đặt để vu khống ông Dồi phản bội Tổ quốc. Các bản án của tòa đều khẳng định Nguyễn Ngọc là “tác giả” kịch bản sát hại ông Dồi, sau đó vu khống.
Trong phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS Quân sự cấp cao cũng phân tích việc vu khống ông Lữ Anh Dồi phản bội Tổ quốc và gài bẫy để chuẩn úy Thái Văn Hùng sát hại ông Dồi đều là sản phẩm của Nguyễn Ngọc. Trong bản án giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao sau đó cũng khẳng định Nguyễn Ngọc là người gài bẫy ông Dồi...
Như vậy, bản án có hiệu lực của tòa đã làm rõ một điều là Nguyễn Ngọc dựng lên kịch bản để gài bẫy và chỉ đạo Hùng sát hại ông Lữ Anh Dồi. Chỉ có điều chưa rõ là vì sao câu văn trong bản án đã không được trích dẫn đầy đủ khiến sự thật bị hiểu sai. Việc này đã vô tình đẩy người thân của ông Lữ Anh Dồi lâm vào tuyệt vọng sau 26 năm ròng rã chờ đợi.