Ngày 12-10, UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) cho hay đang yêu cầu Nhà máy nước Hòa Sơn (thuộc Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ) ngừng ngay việc thu tiền “ký quỹ” 2 triệu đồng/hộ dân.
Nhà máy nước Hòa Sơn đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và đến sáng 12-10 vẫn chưa được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt giá bán nước máy. Ảnh: Đ.LAM.
Đây là số tiền “ký quỹ” mà Nhà máy nước Hòa Sơn đã thu của dân, đồng thời yêu cầu dân ký cam kết dùng nước máy tối thiểu 50.000 đồng/tháng. Hiện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đô Lương đang tiếp tục thống kê số lượng và làm rõ tính pháp lý của việc "ký quỹ".
Bà Lê Thị Lý, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đô Lương cho biết: Nhà máy nước Hòa Sơn tự ý thu tiền ký quỹ và tự ký cam kết với dân chứ không báo với chính quyền địa phương. Trường hợp phía Nhà máy và Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ có văn bản thì chúng tôi đã rà lại các văn bản pháp lý và xin ý kiến cơ quan chức năng.
Thời gian gần đây, cùng với ký hợp đồng dịch vụ cấp nước sạch với người dân, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Công nghệ môi trường HQ-Chi nhánh Nhà máy nước Hòa Sơn ký biên bản thỏa thuận (về việc đấu nối và lắp đặt đồng hồ) với các hộ dân.
Trong bản thỏa thuận này, phía Nhà máy và Công ty yêu cầu người dân nộp tiền ký quỹ sử dụng nước mỗi hộ là 2 triệu đồng. Số tiền đó được trừ dần vào tiền sử dụng nước hàng tháng của người dân. Đồng thời, người dân phải cam kết sử dụng nước tối thiểu 3 năm, sử dụng tiền nước tối thiểu 50.000 đồng/tháng. Nếu người dân sử dụng tiền nước dưới 50.000 đồng/tháng thì vẫn phải trả 50.000 đồng/tháng.
Một số hộ dân ở xã Hòa Sơn phản ánh, trước khi được lắp đặt đồng hồ và cấp nước máy phải nộp "ký quỹ" 2 triệu đồng. Ảnh: Đ.LAM.
Theo cán bộ Nhà máy, người dân phải trả cho nhà máy mức phí duy trì áp lực, đường ống với mức phí tối thiểu tương ứng 50.000 đồng/tháng. Do vậy sử dụng nước không đến 50.000 đồng/tháng cũng phải trả đủ số tiền này.
Trong biên bản thỏa thuận này, phía Nhà máy cũng đưa ra giá nước sạch tạm tính (dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận): Nước dùng cho hộ dân cư 9.500 đồng/m3; nước dùng cho cơ quan hành chính sự nghiệp 11.400 đồng/m3; nước sạch dùng cho sản xuất (bán lẻ) 14.250 đồng/m3; nước sạch dùng cho kinh doanh dịch vụ 19.000 đồng/m3.
Nhiều người dân phản ánh, giá nước máy tạm tính này là cao so với ở thị trấn và thành phố.
Về việc Nhà máy nước Hòa Sơn đã hoàn thành và cung cấp nước máy cho các hộ dân sử dụng, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cho biết, hiện Nhà máy nước Hòa Sơn chưa được bán thu tiền nước máy.
Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An cho biết: "Hiện chúng tôi chưa nhận được hồ sơ đề nghị xem xét giá nước sạch của Nhà máy nước Hòa Sơn".
Theo ông Dũng, nhà máy chỉ được bán và thu tiền nước sạch khi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt phương án giá.
Nước máy đã cấp chảy đến các hộ dân nhưng Nhà máy nước Hòa Sơn chưa được thu tiền bán nước máy. Ảnh: Đ.LAM
Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cho biết hiện Nhà máy nước Hòa Sơn đã hoàn thành giai đoạn 1 và đã được Sở Xây dựng nghiệm thu xây dựng. Hiện Sở Xây dựng Nghệ An đang lấy ý kiến các sở liên quan (Tài chính, Y tế, TN&MT, NN&PTNT) và các cơ quan có liên quan rà soát các quy định hiện hành hướng dẫn công ty và UBND huyện Đô Lương thực hiện các quy định thủ tục để hoạt động cấp nước sinh hoạt đảm bảo đúng quy định.
Trên địa bàn huyện Đô Lương hiện có hai nhà máy nước sạch, đó là Nhà máy nước Đô Lương (thuộc Công ty CP cấp nước Nghệ An) và Nhà máy nước Hòa Sơn. Hai nhà máy này cùng cung cấp nước máy cho một xã, thị trấn mà mỗi nhà máy được quy hoạch cấp bán nước máy cho mỗi khu vực riêng.
Lãnh đạo UBND huyện Đô Lương cho biết, Nhà máy nước Hòa Sơn thuộc diện thu hút đầu tư, cung cấp nước sạch cho địa bàn 14 xã ở huyện Đô Lương. Giai đoạn 1 của Nhà máy nước Hòa Sơn có công suất 5.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2 là 10.000 m3/ ngày đêm.