Lý do đưa ra rất hợp lý là để tiết kiệm khi mà dự báo năm nay sẽ tiết kiệm được khoảng 390 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tôi có băn khoăn là tại sao NHNN không in và không đưa ra lưu thông tiền mới mệnh giá nhỏ, vậy mà ngoài thị trường “chợ đen” thì muốn bao nhiêu cũng có?
Tôi hỏi về nhu cầu đổi tiền lẻ mới để lì xì dịp Tết, một cô em họ làm nghề buôn bán nhỏ, vốn gần chục năm nay kiêm thêm nghề đổi tiền cho công nhân tại một khu công nghiệp vào dịp cận Tết, bảo rằng: “Muốn bao nhiêu chẳng có! Phải quen biết với người trong ngành NH mới có được...”.
Cô em đến với nghề đổi tiền mới mệnh giá nhỏ cho công nhân, người dân là vì cô em quen với một người bạn, mà người bạn ấy có ông anh làm cho một NH nông nghiệp huyện. Do nhu cầu cần tiền mới mệnh giá nhỏ của người dân vào dịp Tết nhiều, thị trường lại khan hiếm nên anh người bạn đã mách nước cho cô em họ tôi làm thêm công việc đổi tiền mới. Và thế là, cứ cách Tết khoảng vài tháng là cô em họ tôi lại gom tiền, đầu tư mua tiền mới của anh người bạn làm ở NH để cận Tết bung ra đổi. Tất nhiên, khi mua tiền mới từ người làm ở NH, cô em tôi cũng phải trả một khoản chi phí.
Việc NHNN không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu hành trên thị trường vào dịp Tết hằng năm có khi lại là cơ hội cho một số người làm trong ngành NH. Nếu NHNN không in và đưa lưu thông tiền mới mệnh giá nhỏ vào dịp Tết thì thị trường sẽ không có hoặc rất khan hiếm. Đằng này thị trường “chợ đen” muốn bao nhiêu tiền mệnh giá nhỏ cũng có thì thử hỏi chúng ở đâu ra, nếu như không phải là người của NH tuồn ra thị trường?
Chính vì vậy, cùng với việc hạn chế in và đưa ra lưu hành tiền mới mệnh giá nhỏ trong các dịp Tết thì NHNN, cũng như các cơ quan chức năng cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời làm thật nghiêm, xử lý thật triệt để các cá nhân kinh doanh thu đổi tiền lẻ trái phép. Không thể để tình trạng nói không đưa tiền mới ra lưu thông ở “cửa trước” nhưng ở “cửa sau” tiền mới mệnh giá nhỏ lại được tuồn ra ngoài và mang lại lợi ích cho một số kẻ cơ hội.