Cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều tối 4-8 có sự tham dự của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cùng tổng thanh tra Chính phủ, một loạt bộ trưởng các bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông… và cả quan chức đầu ngành an ninh - Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2. Ngay tại diễn đàn, thông báo bằng văn bản của Văn phòng Chính phủ về sự việc Vinashin (VNS) đã được đọc nguyên văn, sau đó được ông Nguyễn Sinh Hùng bổ sung thêm.
Bị lỗ nhưng vẫn báo cáo lãi
Bản thông báo được đánh dấu đậm bảy nội dung, trong đó đầu tiên khẳng định việc hình thành, phát triển VNS làm nòng cốt phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết và phù hợp với các nghị quyết của Đảng.
Phần tiếp theo nêu cả thành quả cũng như yếu kém, khó khăn hiện nay của VNS. Theo đó, trong ba nguyên nhân của sự đổ vỡ chỉ một là yếu tố khách quan từ suy thoái kinh tế toàn cầu, tác động trực tiếp vào ngành đóng tàu, còn lại là khuyết điểm chủ quan của VNS và yếu kém của quản lý nhà nước.
Một loạt bộ trưởng các bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông… tham dự buổi họp báo của Chính phủ chiều tối 4-8. Ảnh: TV
Cụ thể, năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo của VNS yếu kém. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh quá nóng vội, không phù hợp với nguồn vốn cũng như quy hoạch đã được phê duyệt. Quản lý đầu tư, tài chính lỏng lẻo, kém hiệu quả. Thực hiện nhiều dự án đầu tư ngoài quy hoạch, trái pháp luật. Có biểu hiện sai trái trong sử dụng vốn và không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cơ quan nhà nước. Lãnh đạo VNS báo cáo không trung thực về sử dụng vốn, đầu tư, phát triển ngành nghề kinh doanh. Năm 2009 và quý I-2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo lãi...
Về phía trách nhiệm quản lý nhà nước, thông báo thừa nhận việc quản lý và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung và VNS nói riêng còn nhiều bất cập. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN cũng như các tập đoàn kinh tế là cần thiết nhưng cơ chế thẩm định, kiểm tra, quản lý tài chính còn kém hiệu quả. Các bộ, ngành thì tham mưu chưa tốt, chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời những quyết định đầu tư sai trái của doanh nghiệp.
Camkết sòng phẳng nợ nần
Trong các nguyên nhân trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết Chính phủ đã kết luận nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tuy nhiên, với quan điểm khẳng định phát triển đóng tàu là tất yếu nên giải pháp của Chính phủ là tái cơ cấu toàn diện để tạo ra một VNS mới. “Từ tập đoàn kinh doanh đa ngành kiểu cũ, rất dàn trải, lan man thành tập đoàn đa ngành kiểu mới, tức chỉ tập trung vào đóng, sửa chữa tàu và phát triển công nghiệp phụ trợ” - ông Hùng nói.
Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và thống nhất quan điểm là tái cơ cấu VNS một cách toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước (như việc chia sẻ tài sản, nợ nần với Tổng Công ty Hàng hải và Tập đoàn Dầu khí vừa qua) và của các định chế tài chính để từng bước ổn định VNS theo hướng ít thiệt hại nhất. Phó Thủ tướng cũng khẳng định với khoản nợ hơn 84.000 tỉ đồng, trong đó có 750 triệu USD vay từ trái phiếu quốc tế của Chính phủ, 600 triệu USD mà VNS tự vay không bảo lãnh Chính phủ… thì quan điểm lần này là sẽ giải quyết sòng phẳng.
“Chủ trương của Chính phủ là tập trung hỗ trợ của nhà nước, nỗ lực tự thân của doanh nghiệp để sòng phẳng nợ nần. Bằng các nguồn tài chính thích hợp, nhà nước sẽ cho VNS vay để trả nợ nước ngoài đến hạn, cơ cấu lại nợ tín dụng, hoàn thành các dự án dở dang đưa vào sử dụng...” - ông Hùng nói.
Phó Thủ tướng giải thích thêm, khối tài sản 104.000 tỉ đồng (tương đương hơn 5 tỉ USD) của VNS là khổng lồ. Nếu làm thủ tục phá sản thì nhiều dự án, tài sản sẽ trở thành đống sắt gỉ. Vì vậy chỉ có thể chọn giải pháp tái cơ cấu để giúp VNS ổn định trở lại. Với quan điểm đó, từ một VNS quy mô 200 dự án đủ loại, nay cắt giảm chỉ còn 28, trong đó trước mắt tập trung vào 13 dự án đóng tàu cấp thiết nhất.
“Các mục tiêu, phương hướng và giải pháp ấy có khả thi không?”, ông Hùng hỏi và tự khẳng định: “Các tính toán ấy là có cơ sở, có căn cứ. Tình hình VNS vẫn trong tầm kiểm soát nên có thể làm được”.
“Làm được vậy, từ nay đến năm 2012 còn lỗ nhưng dự báo tới 2013-2014 sẽ bắt đầu có lãi và sau năm 2015 VNS sẽ phát triển ổn định” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Phát hiện sai phạm nhưng thiếu kiên quyết xử lý Xin nói rõ từ năm thành lập 2006 đến nay, liên quan đến VNS đã có 11 cuộc thanh tra, kiểm toán và cả giám sát của Quốc hội. Cụ thể: 2006: Bộ Tài chính kiểm tra việc huy động, sử dụng, quản lý vốn từ trái phiếu quốc tế. Kiểm toán quốc tế KpMG cũng đã kiểm toán và có báo cáo với Chính phủ. 2007: Bộ Xây dựng có kiểm tra, thanh tra một số dự án xây dựng của tập đoàn và kiểm toán quốc tế cũng làm. 2008: Có bốn cuộc: Bộ Tài chính kiểm tra tình hình tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc thực hiện Quyết định 390 của Chính phủ về điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế; Thanh tra Chính phủ thì thanh tra dự án mua sắm thiết bị chuyên dùng và phòng thí nghiệm tàu thủy; Quốc hội có cuộc giám sát các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Vinashin; KpMG cũng tiếp tục kiểm toán. 2009: Bộ Tài chính tiếp tục kiểm tra việc huy động, sử dụng vốn. Bên Đảng cũng kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tiếp tục đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước. Kiểm toán quốc tế cũng kiểm toán. Riêng Thanh tra Chính phủ có kế hoạch nhưng hoãn thanh tra vì có chỉ đạo của Chính phủ để doanh nghiệp tập trung đối phó khủng hoảng. 2010: Cả Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước có kế hoạch vào VNS và sau thống nhất để Thanh tra Chính phủ làm. Tuy nhiên, đầu năm Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào kiểm tra dấu hiệu vi phạm nên giờ Thanh tra Chính phủ mới bắt đầu thanh tra toàn diện VNS được. Như vậy không thể nói là buông lỏng kiểm tra để bây giờ mới biết VNS sai phạm. Thực tế là kiểm tra, thanh tra nhiều và phát hiện nhiều sai phạm nhưng chưa có cơ chế, chế tài xử lý và chưa kiên quyết để buộc VNS chấp hành. Tổng Thanh tra Chính phủTRẦN VĂN TRUYỀN |
NGHĨA NHÂN - THÀNH VĂN