Trả lời báo chí là trả lời dân

Ngày 28-3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VH-GD-TTN&NĐ) do Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi giám sát thực hiện Luật Báo chí tại TP Đà Nẵng.

Không được né tránh báo chí

Tại buổi làm việc, ông Mai Đức Lộc, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, cho rằng các cơ quan nhà nước không nên né tránh báo chí, gây khó khăn cho báo chí khi tác nghiệp. Theo ông Lộc, hiện quy định về phát ngôn và người phát ngôn đã rất đầy đủ nhưng việc thực hiện trên thực tế vẫn chưa tốt. Nhiều người phát ngôn vẫn còn từ chối trả lời báo chí.

“Việc phát ngôn với báo chí các cơ quan nhà nước phải xem đó là trách nhiệm cần phải làm. Mà cái này phải nên hiểu rằng đó là trách nhiệm trả lời cho nhân dân chứ không phải chỉ cho báo chí. Thế nhưng các quan chức vẫn còn ngại tiếp xúc” - ông Lộc nói.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN&NĐ Lê Như Tiến cũng cho rằng không việc gì phải né tránh báo chí. Đối với các đại biểu (ĐB) QH, không những không nên né tránh mà phải xem đó là một cơ hội để thông qua báo chí các ĐBQH xây dựng hình ảnh trước nhân dân, trước công chúng; nói lên quan điểm của mình trước những vấn đề xã hội đang quan tâm. “Cánh cửa của QH phải luôn luôn mở đối với báo chí, còn các ĐBQH thì không nên nói không với báo chí. Không có vấn đề gì phải né tránh” - Phó Chủ nhiệm Tiến chia sẻ.

 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN&NĐ QH Lê Như Tiến
(giữa) và đoàn giám sát làm việc tại TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến và các ĐBQH các cơ quan quản lý nhà nước, người phát ngôn còn phản ứng quá chậm trước các thông tin quan trọng.

Cuối năm 2015 sửa đổi Luật Báo chí

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến cho biết mục đích của chuyến giám sát này là QH muốn xem việc thực hiện Luật Báo chí (có sửa đổi, bổ sung năm 1999) trong 15 năm qua có những tồn tại, hạn chế gì cần sửa đổi. Vì trước đây đã có lần tính tới việc sửa đổi Luật Báo chí nhưng vì nhiều lý do nên phải lùi lại.

“Vừa rồi Bộ TT&TT đã đề nghị cho xây dựng, sửa đổi lại Luật Báo chí ngay trong nhiệm kỳ này của QH để phù hợp với tình hình thực tế. Cuối năm 2015 sẽ chính thức trình QH việc sửa đổi Luật Báo chí hiện nay” - Phó Chủ nhiệm Tiến thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT Nguyễn Thái Thiên cũng cho biết Bộ TT&TT sẽ rà soát lại tất cả mạng lưới, các mô hình báo chí, các văn bản quy định trước đây giờ đã lạc hậu. Đồng thời, từ các ý kiến của cơ quan quản lý ở địa phương và các cơ quan báo chí sẽ giúp Bộ thấy ra điều gì bất cập để hoàn thiện hơn khi xây dựng Luật Báo chí sửa đổi.

“Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng muốn biết ý kiến của các cơ quan báo chí có băn khoăn gì với chiến lược phát triển báo chí của Nhà nước hay không. Hiện nay báo giấy đang đứng trước sự tấn công “vũ bão” của báo điện tử, các trang mạng xã hội. Liệu việc này có làm thị phần báo giấy bị thu hẹp không. Báo giấy sẽ song song phát triển báo điện tử như thế nào” - ông Thiên nói.

LÊ PHI

 

Kiến nghị tiếp tục giảm thuế cho báo chí

Ông Mai Đức Lộc, Tổng Biên tập báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, cho rằng cần nghiên cứu để tiếp tục giảm thuế thu nhập cho các cơ quan báo chí thấp hơn 10% theo quy định. Đối với các báo địa phương, báo có nguồn thu thấp thì không nên thu thuế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN&NĐ QH Lê Như Tiến cho hay ủy ban sẽ kiên trì đề nghị tiếp tục giảm thuế hơn nữa cho báo chí. Bởi báo chí không phải hoạt động về kinh doanh lợi nhuận mà còn làm công tác tuyên truyền cho Nhà nước, nhân dân.

“Báo địa phương thiếu hơi thở cuộc sống”

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến cho biết nhiều báo Đảng ở địa phương mở ra chỉ thấy đưa tin về hoạt động, hình ảnh của lãnh đạo mà thông tin về đời sống, tâm tư, nguyện vọng, hơi thở cuộc sống của nhân dân còn ít ỏi.

Ông Lê Đắc Lâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cũng cho rằng: “Tình trạng chung của báo địa phương là còn nghèo nàn về nội dung và hình thức”. ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công cũng cho rằng: “Các báo địa phương cần phải dành nhiều thông tin hơn cho tiếng nói của người dân. Nhìn vào lương, thưởng hằng tháng của PV sẽ đánh giá được chất lượng của tờ báo”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.