Chuyên gia Hàn Quốc khắc phục vết nứt cầu Vàm Cống

Ngày 17-11, Bộ GTVT có thông tin chính thức về vụ dầm ngang trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm Cống bị nứt.

Công trình vẫn ổn định

Theo Bộ GTVT, chiều 14-11, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt. Ngay sau khi nhận thông tin, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long, chủ đầu tư dự án) dừng ngay các hoạt động thi công trên cầu chính Vàm Cống, thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị thi công.

Chiều 16-11, Bộ cử tổ công tác do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu tới hiện trường để chỉ đạo xử lý, khắc phục sự cố. Kết quả kiểm tra, đo đạc cho thấy không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra; kích thước hình học của công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế. Qua đó cho thấy kết cấu công trình vẫn đảm bảo ổn định.

Sáng 17-11, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan như Tổng Công ty Cửu Long, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu… để bàn hướng giải quyết. Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đánh giá cẩn trọng toàn bộ quá trình từ khâu thiết kế đến chế tạo, thi công lắp đặt để xác định chính xác nguyên nhân. Từ đó đề xuất giải pháp khắc phục triệt để nhằm đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình.

Cầu Vàm Cống đã được hợp long ngày 29-9 (ảnh lớn) và cận cảnh vết nứt trên trụ P29 (ảnh nhỏ). Ảnh: HD

Đã gửi dữ liệu về Hàn Quốc

Được biết hiện nay nhà thầu, tư vấn giám sát đã gửi toàn bộ dữ liệu liên quan đến sự cố về công ty mẹ tại Hàn Quốc. Các chuyên gia từ Hàn Quốc đã được huy động sang Việt Nam để phối hợp nghiên cứu nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục sự cố.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một chuyên gia cầu đường (đề nghị không nêu tên) cho rằng thời điểm này chưa thể xác định nguyên nhân cũng như đánh giá vết nứt có nghiêm trọng hay không bởi cần phải có số liệu cụ thể, từ thiết kế đến chế tạo, thi công lắp đặt. Tuy nhiên, ông đánh giá một vết nứt trên đỉnh trụ P29 (rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m) là rất lớn, cần phải vào cuộc đánh giá toàn bộ dự án vì vết nứt cho phép thường ở mức 0,2-0,4 mm.

“Trong trường hợp nghiêm trọng thì có thể phải đập trụ đi, xây lại trụ mới để đảm bảo tuổi thọ công trình” - vị chuyên gia này nói.

Theo ghi nhận ngày 17-11, phía trên phần cầu chính hoàn toàn tĩnh lặng, vắng bóng công nhân thi công. Ở phía dưới chân cầu trong phạm vi công trường, các phương tiện xe tải, cẩu vẫn hoạt động bình thường. Người dân hai bờ sông Hậu khi nghe tin về sự cố đã tỏ ra lo lắng, e ngại cầu Vàm Cống chưa thể thông xe vào cuối năm 2017 như kế hoạch.

Cầu Vàm Cống thuộc dự án thành phần 3 - dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông, sử dụng nguồn vốn vay của chính phủ Hàn Quốc. Dự án được thực hiện bởi các nhà thầu chuyên nghiệp, hàng đầu của Hàn Quốc. Cụ thể, tư vấn thiết kế - giám sát là liên danh Dasan - Kunhwa - Pyunghwa; nhà thầu thi công là liên danh Công ty GS E&C và Hanshin.

Trụ P29 là một trong hai trụ tháp chính của cầu Vàm Cống, nằm giữa lòng sông Hậu tính từ bờ Đồng Tháp ra. Cầu chính đã được hợp long ngày 29-9, hiện đang thi công các hạng mục hoàn thiện: Thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp khe co giãn, sơn kẻ đường và lắp biển báo an toàn giao thông, chiếu sáng. Đây là cầu dầm thép được thiết kế có nhịp dài. Mỗi dầm thép nặng trên 90 tấn, được đúc sẵn. Khi lắp đặt, dầm được cẩu từ dưới sà lan lên mặt cầu với độ cao khoảng 50 m. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.