Liên quan đến hậu phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) ở biển Đông, trong một chia sẻ mới nhất với Pháp Luật TP.HCM, GS Alexander Vuving (ảnh, Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương) cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là một bước ngoặt làm chuyển hướng mọi thứ ở biển Đông.
Nhắc lại quan điểm của các triết gia John Austin và John Searle cho rằng ngôn từ của con người có thể thay đổi thế giới vì chúng là hành vi xã hội, GS Vuving bác bỏ quan điểm cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài (mà không có quân đội hay công an để chế tài) sẽ chỉ là “tờ giấy lộn”. Nhìn vào tranh chấp biển Đông, phán quyết của Tòa Trọng tài đang tạo ra thay đổi căn bản cục diện hiện nay. Phán quyết định hình chiến lược của các nước liên quan tranh chấp, đồng thời tạo ra động lực mạnh mẽ để họ điều chỉnh “đường đi nước bước”. Phán quyết thay đổi tính khả quan các chọn lựa của các nước và cuối cùng là làm thay đổi các tương quan bấy lâu nay.
Xác định ai đúng, ai sai ở biển Đông
Theo GS Vuving, phán quyết của Tòa Trọng tài định hình biển Đông một cách rõ ràng, đồng thời làm rõ các vấn đề pháp lý của tranh chấp với nhiều nội dung then chốt. Trong đó đáng lưu ý là nội dung “đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý và TQ cũng không có đủ cơ sở pháp lý để tuyên bố “quyền lịch sử” trên biển. Phán quyết còn khẳng định không một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa đủ điều kiện được hưởng quy chế thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), có thể tạo ra vùng biển lên đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở… Với những nội dung then chốt như vậy, có thể thấy phán quyết đã làm giảm đi đáng kể diện tích vùng biển tranh chấp, từ hơn 80% xuống còn dưới 20% biển Đông.
Tranh chấp ở biển Đông sau phán quyết này, về mặt pháp lý, hiện chỉ còn tồn tại xung quanh bán kính 12 hải lý của một số thực thể, cùng với các khu vực chồng lấn EEZ của các nước ven biển. Bằng cách làm rõ tình trạng pháp lý của hầu hết biển Đông, phán quyết đã soi rọi hành động của các nước đang ở biển Đông. Với “ngọn đèn” pháp lý này, Tòa Trọng tài đã chứng tỏ rằng việc TQ xây dựng các đảo nhân tạo của TQ đã vi phạm UNCLOS. Việc chiếm hữu của TQ tại Bãi Cỏ Mây cũng hoàn toàn bất hợp pháp.
Mặc dù Tòa Trọng tài chỉ tuyên bố phán quyết với “các bên trong cuộc” là Philippines (nguyên đơn) và TQ (bị đơn) nhưng nội dung phán quyết cũng có ý nghĩa đối với những quốc gia khác tại biển Đông. Với sự minh định của phán quyết, không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh không có cơ sở tuyên bố bãi cạn James Shoal (nằm dưới mực nước biển 22 m và cách bờ biển Malaysia 43 hải lý) là điểm cực nam của TQ. Lập luận này cũng được áp dụng tương tự để giải thích cho nhiều thực thể chìm khác ở biển Đông. Việc TQ kêu gọi đấu thầu đối với chín lô dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam vào năm 2012, theo đó cũng sẽ bị Tòa Trọng tài tuyên vi phạm luật quốc tế nếu Việt Nam khởi kiện.
Phán quyết của Tòa Trọng tài phân cục diện thành hai phía, một bên ủng hộ và một bên chống lại UNCLOS. Trong ảnh: Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (trái) và nhà cựu ngoại giao TQ Đới Bỉnh Quốc. Ảnh: FP/AP
Phải chọn lựa: Tuân hay bất tuân UNCLOS
Cùng với đó, phán quyết của Tòa Trọng tài đã buộc các bên tham gia cuộc chơi ở biển Đông phải vào thế chọn lựa - hoặc là đứng về phía luật pháp quốc tế, hoặc đứng vào vị trí chống lại luật pháp quốc tế. Qua đó còn xác nhận được những quốc gia nào (ngoài cuộc chơi) ủng hộ hay chống đối luật quốc tế. Thử làm một phép so sánh. Trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, mỗi nước tạo thành một bên đối với những tranh chấp khác nhau ở biển Đông và nước nào cũng ngại bị coi là đứng về cùng một nước khác. Phán quyết đã thay thế thế cờ, buộc các nước phải chọn lựa ủng hộ hay không ủng hộ phán quyết dựa trên UNCLOS.
Thật vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài buộc các bên phải làm rõ ràng quan điểm và mong muốn của họ. Ví dụ với các tuyên bố lập trường ủng hộ UNCLOS, muốn bảo vệ chủ quyền chính đáng trên biển thì các nước này cần chấp nhận những điều chỉnh về yêu sách cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính quyền tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng không thể bước vào đàm phán với TQ bằng một lá “phiếu trắng” với phán quyết của Tòa Trọng tài. Nếu Tổng thống Rodrigo Duterte bảo vệ lập trường của mình liên quan đến EEZ của Philippines ở biển Đông dựa trên những gì Tòa Trọng tài tuyên thì TQ không chấp nhận. Nhưng nếu ông Rodrigo Duterte đồng ý chia sẻ khai thác tài nguyên với TQ mà lờ đi phán quyết của tòa thì hành động này sẽ bị Tòa án Tối cao Philippines “tuýt còi”. Tương tự như vậy, quan điểm “gác tranh chấp lại, tìm giải pháp chung để phát triển” của TQ cũng sẽ không còn chỗ đứng trên bàn đàm phán. Nếu TQ, Đài Loan tiếp tục bác bỏ phán quyết thì họ sẽ phải trả giá.
Cùng bảo vệ công lý
Sự hiện diện của các tàu sân bay của Mỹ ở biển Đông làm thay đổi cán cân đối trọng với Trung Quốc.
Rõ ràng phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo ra nền tảng vững chắc về pháp lý và động lực mạnh mẽ cho các quốc gia ủng hộ luật quốc tế hợp tác, tiến tới thực thi phán quyết. Các quốc gia đồng thuận mạnh với phán quyết của Tòa Trọng tài chia sẻ mục tiêu chung ngăn chặn TQ biến biển Đông thành “ao nhà”. Nhóm này ngoài các quốc gia liên quan đến tranh chấp còn có Nhật Bản, Mỹ, Úc, Ấn Độ và các quốc gia lớn ở châu Âu như Anh, Pháp… Trước phán quyết của Tòa Trọng tài, các quốc gia hợp tác đã sát cánh với nhau để đạt mục tiêu chung “thượng tôn pháp luật”. Tới đây Mỹ sẽ tự ghè đá vào chân mình nếu tiếp tục giữ nguyên tắc trung lập trong tranh chấp chủ quyền giữa các nước, hay còn e dè trong việc tuyên bố phản đối “đường chín đoạn” của TQ dù yêu sách này do TQ “sáng chế” ra sẽ cản trở tự do hàng hải. Việc Tòa Trọng tài bác bỏ “đường chín đoạn” giúp Philippines, Malaysia hay Việt Nam bảo vệ quyền lợi trong vùng EEZ của họ, thậm chí kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế để duy trì chấp pháp dễ hơn. Trước đây sự hợp tác này có thể bị Bắc Kinh lên án “hùa nhau chống TQ” nhưng giờ đây rõ ràng động cơ hợp tác là cùng nhau đảm bảo thượng tôn pháp luật.
Nhiều người lo ngại phán quyết của Tòa Trọng tài tuy có tính ràng buộc nhưng không thể ép buộc TQ thực thi. Nhưng cần nhớ rằng luật pháp quốc tế cũng có tính hấp dẫn của riêng nó. Do tính chính danh và hợp pháp, nó thu hút nhiều nước ủng hộ, từ đó hình thành nên những cơ chế ép buộc TQ chấp pháp. Những cơ chế này về lý thuyết bao gồm ba thể thức: Gây áp lực ngoại giao; trừng phạt kinh tế; và đối trọng chính trị-quân sự.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ dùng áp lực ngoại giao để ép TQ thực thi phán quyết thì vẫn chưa đủ. Biện pháp trừng phạt kinh tế không khả thi, bởi TQ đã thay thế Mỹ, Nhật Bản, EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước châu Á. Khó có quốc gia nào cắt bỏ giao dịch với đối tác thương mại hàng đầu của họ. Dù vậy thì triển vọng đối trọng TQ giờ đã tốt hơn rất nhiều. Một sự hiệp đoàn nhằm thực thi luật pháp quốc tế sẽ được hình thành nếu TQ một mực bảo vệ quan điểm quyền lịch sử với “đường chín đoạn” và bác bỏ phán quyết của tòa.