Ốc đảo ba không

Đã 10 năm nay, những người dân ở Cồn Giữa phải vật lộn với biết bao khó khăn khi sống trong cảnh ba không: không điện, không đường, không nước. Hơn 200 nhân khẩu với 45 hộ dân lay lất bám lấy khu định cư này để sống nếu không muốn lênh đênh trở lại trên phá Tam Giang. 

Không đường

Về Cồn Giữa vào một ngày sau bão số 9, con đường vào xóm như thêm dài ra. Người và xe phải đánh vật với bùn lầy. Không ít lần, xe tôi lao xuống ruộng vì đường quá hẹp. Cả xóm chỉ độc một con đường dù cách quốc lộ 1A chỉ khoảng hơn 1 km đường chim bay. Một km đó phải đi mất hơn nửa giờ.

Ốc đảo ba không ảnh 1

Đường vào Cồn Giữa

Nói con đường là nói cho oai chứ thực ra đó là con đê ngăn mặn Dương Hà rộng hơn 1 m, thủng lỗ chỗ, nhiều đoạn sụt lún tạo thành hố sâu nguy hiểm. Chính do không có đường nên con em trong xóm chỉ học đến giữa cấp hai là bỏ học. Anh Trần Xuân Dũng, trưởng khu định cư, cho biết: “Trong bão số 9, nước lũ chảy qua đê Dương Hà xiết lắm, sau bão nhiều em không thể tới trường do đường đi bị chia cắt”.

Không nước uống

Thiếu nước sinh hoạt là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều căn bệnh cho người dân khu Cồn Giữa như đau mắt, ghẻ lở và bệnh phụ khoa ở phụ nữ. Sinh hoạt của hơn 200 con người ở Cồn Giữa phụ thuộc vào một cái giếng đào ở cuối xóm. Ông Lê Phú Da, công an viên khu định cư, nhận xét: “Độ phèn mặn trong đất không ngừng tăng lên. Nhiều nhà đào giếng dùng vài bữa lại bỏ do nước nhiễm mặn. Nằm gần phá Tam Giang nên muốn có nước dùng phải đóng giếng khoan sâu trên 70 m. Người dân ai nấy đều nghèo, không đủ khả năng để tự khoan giếng”.

Muốn có nước, nhiều nhà phải dùng thuyền đi mua nước ở những vùng lân cận. Hầu như nhà nào cũng chuẩn bị sẵn thùng nhựa để chứa nước. “Khổ nhất là vào mùa mưa, nước lụt dâng cao, đục ngàu. Cả xóm phải chịu nhịn khát hoặc uống nước bẩn. Những nhà có tiền mua nước về trữ lại thì đỡ hơn” - bà Nguyễn Thị Yến cho biết. Nhưng mua nước được cũng không phải dễ. Để có nước phải đi bộ hơn 8 km đường bộ, 3 km đường biển. Cơn bão số 9 ập đến, nhiều nhà lâm vào cảnh khát nước dài ngày.

Không điện

Cái khổ cuối cùng nghe “dễ chịu” hơn, đó là... Cồn Giữa không có  điện. Nói về hệ lụy của không điện, anh Nguyễn Văn Lẹ cho biết: “Bà con tụi tui mù tịt thông tin, thắp đèn dầu thì con cái sinh tật biếng học nên tỉ lệ thất học cao”. Khổ nhất là vào mùa nắng, nhà nhà ai cũng phải mua quạt giấy để chống nóng. Đối với bà con Cồn Giữa, nhà ai có bình ắc quy là thuộc vào diện sang nhất.

Ốc đảo ba không ảnh 2

Gia đình anh Lẹ

Cả khu định cư chỉ có duy nhất một cái tivi đen trắng của nhà anh Lê Minh Thịnh. Cứ đến tối, mọi người lại kéo nhau tới nhà anh Thịnh để xem tivi. Cái tivi là cổng thông tin duy nhất để mọi người biết những gì xảy ra quanh mình. Bà con Cồn Giữa biết có bão, có lũ lụt cũng nhờ đó. Cho nên mỗi khi bình ắc quy nhà anh Thịnh hết điện, cả xóm lại dáo dác lo âu. Tội nghiệp nhất là trẻ em sinh ra ở khu định cư. Đối với lũ trẻ, ánh sáng đèn neon là một thứ gì xa xỉ, mà chỉ thấy ở thị trấn cách khu định cư 3 km.

Ốc đảo giữa phố

Khu định cư Cồn Giữa rộng khoảng 2 ha, được xây dựng từ sau trận lụt lịch sử năm 1999 theo chủ trương vận động người dân sống lênh đênh trên nước lên đất liền sống ổn định của chính quyền xã Lộc Trì. Ban đầu khu định cư thu hút hơn 17 hộ dân lên bờ. Trong tương lai, xã sẽ đưa thêm nhiều hộ dân vạn đò thôn Đông Hải, Lê Thái Thiện lên định cư. Theo chính sách, một hộ lên bờ sẽ được nhận 21 triệu đồng tiền trợ cấp để xây nhà.

Mùa bão lụt đến là những ngày người dân ở Cồn Giữa sống trong lo sợ. Anh Trần Lẹ kể lại: “Trong bão số 9 vừa qua, khu định cư này thực sự là một ốc đảo. Mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Muốn có lương thực ăn đỡ đói, nhiều người đã liều mình băng dòng nước xiết sang những vùng khác để xin. Sống như ri khổ lắm. Đã có ba hộ gia đình không chịu nổi,  bỏ đất xuống xuồng lênh đênh trở lại”.

Ốc đảo ba không ảnh 3

Có giếng nhưng không có nước

ăm nào cũng vậy, cứ đến tháng 8, tháng 9 là cả Cồn Giữa lại nơm nớp lo sợ. Ai cũng chuẩn bị ghe, thuyền tránh bão. Mong ước của người dân nơi đây là có được một chiếc đò máy, một số áo phao để mùa mưa bão làm vật dụng cứu sinh.

Đã 10 năm lên bờ, những con người vốn lênh đênh sóng nước những mong có cuộc sống tốt hơn khi định cư nhưng cái nghèo, cái khó cứ riết bám lấy số phận của họ. Mỗi gia đình trong Cồn Giữa thường có 5-6 khẩu, đông con, thu nhập chủ yếu dựa vào những ngày đi biển. Vậy cho nên những ngày biển động hay bão lụt, người dân lại không biết dựa vào đâu để sống. Đất canh tác quá hiếm, nếu có cũng bị nhiễm phèn mặn không thể trồng trọt. “Không điện, không nước, không đường làm cái chi cũng khó” - anh Dũng cám cảnh.

Ông Cái Kháng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Trì:

Đảng ủy, chính quyền xã đã có các dự án dẫn điện, nước sạch về khu định cư, đã dành quỹ đất để làm đường. Trong bão lũ, chúng tôi cũng cử cán bộ về “nằm vùng” để có kế hoạch chỉ đạo. Dự án điện nông thôn về đến cuối thôn Trung An cách Cồn Giữa chưa đầy 500 m nhưng xã không kham nổi kinh phí để kéo cáp. Trước mắt, chúng tôi sẽ nâng cấp đê ngăn mặn Dương Hà để Cồn Giữa có đường đi.

LÊ HOÀNG SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 12-2009) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm