Tượng đài Gạc Ma: 'Những người nằm lại phía chân trời'

Ngày 12-3, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa, thành viên thường trực Ban Quản lý dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết đến nay công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã thi công hơn 35% khối lượng công việc.

Một phần công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: TẤN LỘC

Khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, nằm ở phía bắc bán đảo Cam Ranh, với tượng đài chính mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “vòng tròn bất tử” được tạo thành từ 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Đây cũng là trái tim của khu tưởng niệm.

Ngoài ra, trong giai đoạn 1, khu tưởng niệm còn xây dựng các hạng mục chính khác như bảo tàng ngầm lịch sử Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình...

“Khu tưởng niệm nhằm tri ân, tôn vinh 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường cho các thế hệ sau. Khu tưởng niệm này cũng là nguyện vọng của người thân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma cũng như của nhân dân cả nước, đồng thời góp thêm một công trình văn hóa, điểm tham quan giáo dục truyền thống ở bờ biển Nha Trang” - ông Hòa chia sẻ.

Cũng theo ông Hòa, sau khi tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm vào ngày 13-3-2015, Ban Quản lý dự án đã tiến hành các bước đầu tư, sau đó khởi công đồng loạt các hạng mục của công trình hồi tháng 10-2015. Hiện có năm đơn vị thi công cùng khẩn trương thực hiện các hạng mục. Đến nay, khu vực quảng trường đã cơ bản hoàn thành.

Có mặt tại công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trong những ngày cả nước hướng về Gạc Ma, PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận không khí làm việc khẩn trương, trách nhiệm của các kỹ sư, nghệ nhân, công nhân… trên công trình có ý nghĩa to lớn này.

Tượng đài chính “Những người nằm lại phía chân trời” với chín hình tượng chiến sĩ hải quân Việt Nam được đặt trên đồi cát cao, có địa hình phức tạp nên việc thi công phần móng, các bậc thang khá khó khăn. Tuy nhiên, các đơn vị thi công đang nỗ lực để đảm bảo theo yêu cầu, thiết kế.

Ở khu vực tạc tượng các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, hàng chục nghệ nhân đang miệt mài, chăm chút từng chi tiết của các tượng. Đây là những nghệ nhân chuyên nghiệp đến từ các làng nghề nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình.

“Tôi đã tạc hàng trăm bức tượng ở nhiều nơi trên cả nước nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc thiêng liêng, thành kính khi được tạc tượng những chiến sĩ đã anh dũng, bất khuất bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như thế này. Tôi không nghĩ đây là công việc bình thường mà tôi gửi hết tình cảm, niềm kính phục, lòng biết ơn sâu sắc vào những bức tượng các chiến sĩ đã ngã xuống song họ mãi bất diệt” - ông Nguyễn Hùng, 52 tuổi, nghệ nhân đến từ Ninh Bình, xúc động nói. 

Ông Nguyễn Hòa cho hay việc tạc tượng các chiến sĩ được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới - tác giả của nhiều tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác, trong đó có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước UBND TP.HCM - trực tiếp chỉ đạo thi công.

Tất cả khuôn thạch cao đều làm tại TP.HCM rồi đưa ra Khánh Hòa. Sau ba giai đoạn phóng tượng bằng chất liệu đất sét, thạch cao với các tỉ lệ 1/3, 1/2, 1/1 để nghiệm thu, việc tạc tượng đã được thực hiện trên đá granite lấy từ huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Hiện nay một số tượng đang dần hoàn thiện như được thổi hồn vào đó.

Các bạn trẻ tìm hiểu thiết kế khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: TẤN LỘC

Thi công đường bậc thanh lên tượng đài chính. Ảnh: TẤN LỘC

Tượng đài chính được đặt trên đồi cát cao, có địa hình phức tạp nên việc thi công phần móng, các bậc thang khá khó khăn. Ảnh: TẤN LỘC

Thi công phần đài cọc, bể khu vực tượng đài. Ảnh: TẤN LỘC

Các nghệ nhân miệt mài, chăm chút từng chi tiết của các tượng. Ảnh: TẤN LỘC

Đây là những nghệ nhân chuyên nghiệp đến từ các làng nghề nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình.

Các nghệ nhân gửi tình cảm, niềm kính phục, lòng biết ơn sâu sắc vào những bức tượng các chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: TẤN LỘC 

Vệc tạc tượng các chiến sĩ Gạc Ma được chuẩn bị hết sức chu đáo và thực hiện kỹ lưỡng. Ảnh: TẤN LỘC

Khu tưởng niệm này do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức xây dựng, với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 150 tỉ đồng, từ sự đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước.  

Theo Ban Quản lý dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, dự kiến đến cuối tháng 4-2016, sẽ đưa tượng đài chính lên vị trí thiết kế của khu tưởng niệm, đến cuối tháng 6-2016 sẽ hoàn chỉnh chi tiết phần tượng theo đúng ý tưởng thiết kế cùng các công việc liên quan.

Kế hoạch đặt ra là trong tháng 6-2016, các gói thầu còn lại sẽ được hoàn chỉnh để khánh thành, đưa toàn bộ dự án vào sử dụng từ ngày 27-7-2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm