Nghị định 69: Thuế “đè chết” DN
Nhiều chuyên gia dự báo năm 2014 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, thị trường khởi sắc hơn cho DN BĐS. Thế nhưng nhiều ý kiến phát biểu của DN tại buổi tọa đàm vẫn còn nhiều lo ngại về những chính sách còn bất lợi cho DN.
Trong đó, khó khăn về việc quy định đóng tiền sử dụng đất theo Nghị định 69/2009 vẫn còn ám ảnh DN. Ông Lê Văn Tú, Giám đốc Công ty BĐS Bình Dân, cho biết có 14.000 m2 đất ở. Số tiền sử dụng đất mà công ty ông Tú ước tính phải nộp hơn 57 tỉ đồng. Như vậy, nếu bán hết dự án này thì được 60 tỉ đồng là tối đa, chỉ vừa đủ tiền đóng thuế.
Theo các DN BĐS, chính sách tiền sử dụng đất đang rất bất hợp lý là nguyên nhân đẩy giá BĐS lên cao. Ảnh: HTD
Ông Nguyễn Viết Tạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NVT, cho rằng: “Nghị định 69 đã gây khó khăn cho nhiều DN BĐS. Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng thực ra DN cũng không cần vì DN cần chính sách minh bạch sòng phẳng chứ không cần tiền. Chính sách tiền sử dụng đất đang rất bất hợp lý, là nguyên nhân đẩy giá BĐS lên cao và là ẩn số mù mờ đối với DN trong quá trình đầu tư và phát triển BĐS”.
Hiện các DN đang đợi đến 10-1-2014, khi Nghị định 188/2013 về quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực. Bởi khi đó DN có thể chuyển đổi nhà ở thương mại sang phát triển nhà ở xã hội và được miễn tiền sử dụng đất.
Vực dậy không nổi vì lãi suất cao
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, cho hay hiện nay DN vẫn đang gặp khó về lãi suất mà DN đã vay cũ vẫn ở mức quá cao. Dù hiện nay, DN không nợ xấu nhưng lãi suất phải chịu vẫn ở mức 14,5%, trong khi mức lãi suất hiện giờ đã xuống dưới 10%. Giải đáp vấn đề này, phía ngân hàng cho rằng do không có chính sách dự phòng cho các dự án đầu tư BĐS.
Ngoài ra, công ty ông Nghĩa đang bán sản phẩm căn hộ cho thuê dài hạn, nhà giá rẻ cho người có thu nhập thấp và trung bình với giá khoảng 10 triệu đồng/m² ngang bằng giá nhà ở xã hội. Thế nhưng vẫn không tiếp cận được lãi suất ưu đãi như các dự án nhà ở xã hội. Nếu được vay lãi suất thấp thì chắc chắn DN có điều kiện giảm giá căn hộ xuống thấp hơn và người mua nhà có lợi hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cũng chia sẻ: “Hiện nay UBND TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước kết nối với DN và các ngân hàng thương mại cho DN nhỏ và vừa ưu tiên được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh với lãi suất 8%/năm. Thế nhưng DN BĐS lại đang khó khăn, cũng vừa và nhỏ chứ đâu lớn mà không thuộc nhóm đối tượng này”. Ông Châu cho rằng dường như DN BĐS rất khó tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp và đang chờ đợi những chính sách điều chỉnh mới có tín hiệu tích cực từ Chính phủ.
Chia sẻ những khó khăn của DN, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ví von rằng: “Con bệnh trước khi phẫu thuật cũng phải có sức khỏe, phải bơm thuốc trợ lực hoặc thuốc bổ. Thị trường BĐS cũng vậy, muốn cải thiện, muốn vực dậy thì cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ quan tâm nhiều hơn đến DN và người mua nhà. Với những điểm sáng về cơ chế vĩ mô vào cuối năm 2013 và chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý trong năm 2014, thị trường BĐS sẽ khởi sắc”.
Thông tin minh bạch để đầu tư hợp lý
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, cho biết ngoài chính sách tài chính thì DN BĐS đang cần một hệ thống thống kê về lĩnh vực BĐS. Bà Mẫu bức xúc: “Thông tin về giá đất không có, thông tin về số lượng dự án BĐS tại các quận cũng không. DN thiếu thông tin và đầu tư một cách ồ ạt, chen chúc nhau và hậu quả là đầu tư thất bại”.
Bà Mẫu còn đưa ra so sánh ở Malaysia, ngành BĐS vẫn rất phát triển vì họ có một hệ thống thông tin về BĐS rất đầy đủ, rõ ràng. Đến khu vực nào DN sẽ có đầy đủ dữ liệu về giá đất, về số lượng dự án để DN có thể dự tính đầu tư. Ngoài ra, DN BĐS Malaysia còn nắm được cả thu nhập người dân ở khu vực đó. Cụ thể như 80% dân cư thu nhập cao, 20% thu nhập thấp, dự theo đó DN sẽ xây dựng dự án với 80% căn hộ cao cấp và chỉ 20% căn hộ trung bình. Trong khi DN BĐS Việt Nam đua nhau xây dự án cao cấp trong bối cảnh thu nhập của đa số dân cư vẫn ở mức thấp.
Đồng tình với bà Mẫu, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng hệ thống số liệu chính là tiêu chí đánh giá thị trường BĐS để đưa ra những giải pháp đúng đắn. Cần có thông tin thống kê minh bạch, cụ thể thì mới có thể phát triển BĐS.
Hãy hạ lãi suất thấp hơn nữa Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định giảm mức lãi suất cho người mua nhà (gói 30.000 tỉ đồng) được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất 5%. Theo tôi còn có thể giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa và ổn định trong một thời gian dài. Ngoài ra, chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cần cụ thể bằng thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện. Chính sách điều chỉnh phải nhanh chóng đưa vào thực hiện mới vực dậy BĐS trong năm 2014. Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia |
QUANG HUY