“Mềm, rắn” với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ góp vốn, mua, bán cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam hoặc chuyển nhượng ủy thác cho các quỹ, công ty quản lý quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Các chuyên gia về thị trường chứng khoán cho rằng nguồn vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh là tín hiệu tích cực sẽ rất cần cho nền kinh tế. Nguồn vốn này ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc huy động vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không biết cách quản lý thì dễ nảy sinh nhiều hậu quả khôn lường. Bản chất của nguồn vốn gián tiếp mang tính lỏng, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu với thời gian rất ngắn nên nhà đầu tư ngoại có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ, không kiểm soát được sự dịch chuyển, khi nó bị rút ra bất ngờ, thị trường chứng khoán sẽ đổ vỡ vì các nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy sẽ mang theo một lượng lớn ngoại tệ khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt, gây mất cân đối cán cân thanh toán và tỉ giá sẽ vô cùng khó kiểm soát.

Dường như đã nhìn thấy nguy cơ này, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã kịp thời ban hành Thông tư 05/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, mọi hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp mở tại một ngân hàng được phép. Số dư trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng kiểm soát vậy là làm giảm vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, nên nới lỏng để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, hồi phục thị trường chứng khoán mới hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng biện pháp kiểm soát này của NHNH là hợp lý. Đây thực sự là biện pháp kiểm soát kịp thời đối với thị trường chứng khoán, nhất là khi dòng vốn ngoại gián tiếp đang đổ vào khá lớn. Vốn đầu tư nước ngoài vào bằng đường nào cũng rất cần cho nền kinh tế đất nước nhưng không thể không quản lý, bên cạnh các chính sách “mềm” ưu đãi, hỗ trợ thì cũng cần “rắn” về kiểm soát bằng pháp lý để đảm bảo được tính bền vững cho thị trường. NHNN cũng cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư để có những thông tin chi tiết, cụ thể, toàn diện về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mới mong kiểm soát hiệu quả.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm