Rau câu, mì gói… Nhật tấn công thị trường Việt

Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011-2016 tiếp tục tăng 5,1%, ước đạt 29,5 tỉ USD. Vì vậy, thị trường thực phẩm Việt là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Nhật.

Bằng chứng là ngoài hệ thống bán lẻ, riêng lĩnh vực ẩm thực tại TP.HCM đã có đến 500 nhà hàng Nhật. Đáng chú ý gần đây hàng loạt công ty Nhật đã đổ bộ vào thị trường thực phẩm Việt Nam.

Mảnh đất màu mỡ

Trưởng phòng kinh doanh nước ngoài của Công ty TNHH Tarami chuyên sản xuất thạch rau câu cho biết mới đây lần đầu tiên đã đến Việt Nam tham gia chương trình kết nối nhằm tìm kiếm các kênh phân phối.

“Khi khảo sát một số siêu thị như Aeon, Family Mart…, chúng tôi nhận thấy sản phẩm rau câu của mình có thể bán được ở Việt Nam. Đặc biệt với rau câu hương vị thiên nhiên thì người Việt Nam dễ đón nhận. Chúng tôi kỳ vọng sẽ xuất khẩu vào Việt Nam khoảng 100.000 USD ngay trong năm đầu tiên thâm nhập thị trường, sau đó sẽ tăng dần lên”.

Tương tự, ông Takashi Igarashi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Igarashi Seimen chuyên sản xuất mì gói, nhận xét xu hướng ăn uống để bảo vệ sức khỏe ngày càng được người Việt quan tâm. Mặt khác, người Việt có thói quen dùng nhiều mì gói. Thói quen này sẽ không mất đi mà biến đổi sang một hình thức mới với đòi hỏi cao hơn về chất lượng và an toàn nên sản phẩm mì của công ty có khả năng cạnh tranh.

“Chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm mì với hệ thống siêu thị Family Mart, Aeon để đưa hàng vào và bước đầu có phản hồi tốt” - ông Igarashi tự tin.

Các công ty Nhật đang giới thiệu sản phẩm đến các đối tác Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Ông Kazuhiko Nemoto, Hiệp hội ngành chăn nuôi tỉnh Ibaraki, cho biết thêm các công ty Nhật đánh giá cao thị trường Việt Nam. Ông nói: “Bản thân công ty chúng tôi cũng đang tìm nhà cung cấp thịt bò Hitachi wagyu nổi tiếng. Hiện nay công ty đã có ba cửa hàng tại Việt Nam và chúng tôi muốn đưa thêm sản phẩm này vào hệ thống các nhà hàng, siêu thị”.

Nhiều công ty Nhật khác cũng tiết lộ họ đang muốn đẩy mạnh việc đưa thực phẩm, hàng nông sản vào Việt Nam nhằm đón đầu các ưu thế của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hơn nữa Việt Nam là thị trường được chú ý vì có quy mô dân số đến 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu mua sắm nhất là thực phẩm sạch đang tăng lên.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Takimoto Kogji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, cho biết số lượng các công ty Nhật thông qua Jetro để tìm hiểu, thâm nhập thị trường Việt mỗi năm một tăng. Trước đây các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất chế tạo nhưng hiện nay các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ… ngày càng gia tăng mạnh.

“Jetro hỗ trợ các công ty Nhật vào Việt Nam bằng nhiều hình thức như hội thảo, tổ chức các buổi kết nối. Các công ty Nhật tham gia chương trình chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí nhỏ, còn lại được chúng tôi hỗ trợ” - ông Kogji nói.

Cũng theo ông Kogji, Jetro còn cung cấp thông tin thị trường, thị hiếu người tiêu dùng Việt, thủ tục thành lập công ty… ở Việt Nam cho các công ty Nhật. Qua đó giúp các công ty Nhật biết được cần bán sản phẩm nào và làm thế nào để thu hút được người Việt dùng hàng Nhật.

Bình luận về cách làm chuyên nghiệp và bài bản của người Nhật, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tri Tri group, nhận xét Nhật có nhiều cách hỗ trợ công ty nước họ thâm nhập thị trường nước ngoài mà chúng ta cần tham khảo để có những điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ: Các cơ quan chức năng của Nhật cùng doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, thu nhận thông tin… để có chiến lược “đánh chiếm” thị trường nước ngoài hiệu quả.

“Trong khi tại Việt Nam, các công ty chủ yếu phải tự bơi. Thế nên phở, bún chả, bánh mì,... Việt dù nổi tiếng thế giới nhưng chủ yếu quanh quẩn ở trong nước” - ông Chiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận xét, các buổi kết nối  như JETRO tổ chức là một trong những cách thức thâm nhập và kết nối thị trường rất hiệu quả. Bởi ngoài việc kết nối giữa nhà phân phối và nhà bán lẻ, JETRO còn có vai trò đứng ra như tổ chức nhằm đảm bảo tín nhiệm để các DN yên tâm kết nối với những DN ngành hàng thực phẩm của Nhật Bản. 

“Cách thức tổ chức này rất đáng được học hỏi vì nó thể hiện được sự trân trọng và sự hỗ trợ của cơ quan chính phủ trong việc kết nối DN nhằm mở rộng quy mô kinh doanh đến một thị trường mới. Thực tế nếu chỉ là một DN tổ chức đơn lẻ, hiệu quả kết nối sẽ thấp và chi phí kết nối sẽ rất cao”, ông Tùng nhận xét. 

Cũng theo ông Tùng, khi tiếp cận một thị trường mới, DN sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong việc tìm kiếm đối tác đủ tín nhiệm. Một DN nội địa khi tiếp xúc với một DN nước ngoài sẽ rất khó khăn trong việc thẩm định thông tin của công ty kia. 

Do đó, vai trò của những tổ chức nhà nước là rất quan trọng. Bởi nó đóng vai trò bảo hộ về mặt uy tín dành cho DN. Nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, việc những tổ chức nhà nước lọc ra những DN có sản phẩm đủ tốt, có uy tín kinh doanh tốt để kết nối với những DN nước ngoài sẽ vừa giúp cho mở rộng doanh thu và quy mô.

Ngoài ra, đó cũng là một kênh quan trọng giúp cho thương hiệu Việt tiếp cận những kênh bán lẻ uy tín và cuối cùng là nâng tầm thương hiệu Việt một cách hiệu quả.

Đại gia Nhật mua chuối Việt bán ra toàn cầu

Từ ngày 2-9, chuối của Việt Nam đã chính thức được bán tại hệ thống siêu thị của Aeon - tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản. “Điều này không những giúp chuối Việt đến với người tiêu dùng Nhật một cách rộng rãi, mà qua đó còn giúp chuối của chúng ta đến với thị trường các nước khác trên thế giới. Bởi khi chuối Việt đã được bán tại hệ thống siêu thị của Aeon, đương nhiên sẽ được bán tại các siêu thị của Aeon có trên toàn thế giới” - ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật, khi trả lời báo chí đã khẳng định như trên.

Trước đó, từ ngày 30-4, chuối Việt đã có mặt tại thị trường bán lẻ của Nhật thông qua hệ thống siêu thị của Don Kihote. Không chỉ chuối mà hiện tại thanh long, xoài, sản phẩm chế biến từ cá da trơn Việt Nam… cũng đã có mặt tại các hệ thống siêu thị Aeon.

Nhiều công ty Việt nhận định hệ thống siêu thị bán lẻ Nhật Bản là con đường đưa hàng Việt nhanh nhất đến với người tiêu dùng Nhật. Nhật là một trong những thị trường khó tính nên nếu ổn định được ở thị trường này thì có thể đi đến bất cứ nơi nào.

Học cách đóng gói sản phẩm

Có người từng hỏi tôi làm sao bán các sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Nhật, tôi trả lời: Như các bạn biết, người Nhật khó tính. Họ không chỉ định vị vị ngon của sản phẩm mà còn quan tâm vẻ bên ngoài bao bì, cách đóng gói sản phẩm… Vì vậy, thông qua việc trưng bày sản phẩm của công ty Nhật, các công ty Việt có thể tham khảo để từ đó nắm bắt được thị hiếu của thị trường Nhật và sản xuất ra sản phẩm bao bì phù hợp.

Ông TAKIMOTO KOGJI, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.