Rủi ro từ báo chí làm tăng chi phí kinh doanh

Đó là vấn đề được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), đặt ra tại tọa đàm "Nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trên báo chí" diễn ra vào ngày 30-11 tại Hà Nội.

Theo đó, ông Tuấn cho hay báo chí đang đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tuy nhiên báo chí cũng có thể đang làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro hơn và đắt đỏ hơn.

“Cá nhân tôi giật mình khi một nhà đầu tư nước ngoài trong cuộc gặp gần đây hỏi thẳng rằng ông có thấy kinh doanh ở Việt Nam đang rủi ro và đắt đỏ hơn vì… báo chí không?

Thì ra dưới con mắt của các nhà đầu tư, những vụ vội vàng đăng tải thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ khiến doanh nghiệp (DN) khốn đốn, thậm chí có thể phá sản, những hành động tống tiền DN của một số PV kém đạo đức của một số báo, sự yếu kém và chậm trễ của hệ thống tư pháp trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN… tất cả đều được tính toán là rủi ro và chi phí về đầu tư.

Với những nhà đầu tư lớn và kỹ tính thì họ càng e ngại về rủi ro này ở Việt Nam hơn bao giờ hết” - ông Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo ông Tuấn, DN và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau. Báo chí cần thông tin, DN cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

Từ đó, ông Tuấn bày tỏ mong muốn có được những quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ dành cho những PV điều tra xuất sắc mà DN chung tay đóng góp.

Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cũng lý giải một phần lý do người làm chính sách ngại tiếp xúc với báo chí.

Theo ông Hải, một trong những nguyên nhân chính là do người làm chính sách ngại ăn nói, có vấn đề trong công việc, đã từng dính “phốt” với báo chí hay nhìn gương báo chí đối xử với người khác.

Với lý giải trên, ông Hải cho rằng người làm chính sách rất muốn báo chí phản ánh đúng sự thật, không tâng bốc cũng như cắt xén thông tin. Một vấn đề được ông Hải đặc biệt lưu tâm đó là “giật tít sai bản chất”.

Bà Hoàng Thủy Chung, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, khẳng định tòa soạn nào cũng có chủ trương và ưu tiên đưa thông tin liên quan đến chính sách, đặc biệt những chính sách có ảnh hưởng lớn đến đối tượng độc giả - mục tiêu của báo đó.

Tuy nhiên, bà cho rằng các cơ quan quản lý cần có bộ phận truyền thông được tổ chức và hoạt động chuyên nghiệp. Thông tin cung cấp cho báo chí cần kịp thời và minh bạch, rõ ràng, có hệ thống, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền chính sách, phản hồi chính sách cả hai chiều.

Tọa đàm kể trên do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức nằm trong khuôn khổ dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế” được hỗ trợ tài chính của Bộ Các vấn đề toàn cầu của chính phủ Canada (GAC).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.