Các lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng tiếp tục có mặt quan sát phiên tòa.
Tại tòa, khi nói về việc giám định lô gỗ, vợ chồng bị cáo Trương Huy Liệu và các bị cáo khác đều cho rằng việc giám định không đúng quy định của pháp luật.
Các bị cáo khẳng định kết luận giám định không có giá trị pháp lý. Việc lấy kết luận giám định đó làm căn cứ là gây oan sai.
Cũng như những phiên tòa trước đây, bị cáo Trương Huy Liệu cho rằng cơ quan điều tra đã cho bán lô gỗ tang vật của vụ án với giá hơn 63 tỉ đồng là quá rẻ. Theo bị cáo này, giá trị thực của lô gỗ vào thời điểm năm 2014 có trị giá hơn 300 tỉ đồng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TÂM AN
Trong khi đó, bị cáo Đỗ Lý Nhi nói rằng việc giám định của cơ quan chức năng về lô gỗ là không chính xác, sai quy định. Hiện cơ quan chức năng đã bán lô gỗ nên bây giờ muốn giám định lại cũng không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, bị cáo Nhi cũng cho hay mới đây, ông Trần Công Phàn (Phó Viện trưởng VKSND Tối cao) đã ký văn bản trả lời ĐBQH Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) và có ý kiến: “Qua nghiên cứu, thẩm tra lại tài liệu, hồ sơ vụ án, VKSND Tối cao nhận thấy việc xử lý vật chứng, bán đấu giá lô gỗ trong giai đoạn điều tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Tại phiên tòa, các luật sư cũng đề nghị HĐXX cho thu giữ lại các mẫu giám định lô gỗ, vì hiện tại lô gỗ tang vật đã bị bán, để làm rõ thêm một số tình tiết. Các luật sư cũng cho rằng việc giám định các mẫu gỗ được lấy cũng chưa toàn diện; có nhiều điểm cần làm rõ về sự thay đổi về khối lượng.
Kết thúc phiên tòa ngày 15-8, các bị cáo tiếp tục cho rằng mình bị oan.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, theo cáo trạng, bị cáo Trương Huy Liệu (phó giám đốc) và vợ là Trần Thị Dung (giám đốc Công ty Ngọc Hưng, tại Quảng Trị) bị truy tố tội buôn lậu. Bị cáo Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo) và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, tháng 12-2011, Công ty Ngọc Hưng nhập 614 m3 gỗ từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo và làm thủ tục xuất kinh doanh lô hàng tại cảng Cửa Việt. Toàn bộ lô hàng được xếp vào 22 container, chuyển đến cảng Đà Nẵng để xuất đi Hong Kong (Trung Quốc).
Tháng 1-2013, Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với lô hàng của Công ty Ngọc Hưng. Tháng 4-2013, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Tháng 6-2013, Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) có công văn gửi Tổng cục Hải quan khẳng định: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”.
Tháng 11-2013, Cơ quan CSĐT C44 ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Huy Liệu. Tháng 12-2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề xuất cho bán lô gỗ vật chứng của vụ án. Lô gỗ được bán với trị giá hơn 63 tỉ đồng.
Tháng 10-2014, xử sơ thẩm lần thứ nhất, TAND TP Đà Nẵng đã quyết định hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tháng 5-2016, tòa tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai, sau đó trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung. Tháng 8-2017, xử sơ thẩm lần ba, TAND TP Đà Nẵng lại trả hồ sơ vụ án. Sau đó, C44 đã điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang VKS.