Lỗi, phải từ vụ xử án treo ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ

Một quyết định khắc phục rất nhanh trước đây ít có cho thấy các bức xúc đúng của dư luận ngày càng được các cơ quan chức năng kịp thời tiếp thu, xử lý.

Từ mức án ba năm tù ở cấp sơ thẩm, bị cáo Thủy được cấp phúc thẩm giảm xuống 18 tháng tù treo. Mức hình phạt quá nhẹ đối với loại tội đang bị lên án mạnh mẽ khiến cộng đồng dậy sóng và nhiều cơ quan chức năng đồng loạt phản ứng.

Trả lời báo chí, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, nêu khá chi tiết về căn cứ xử án. Theo ông, tòa sơ thẩm xử không đúng khi cho là bị cáo “phạm tội nhiều lần và đối với nhiều trẻ em” vì với trẻ thứ nhất bị cáo chỉ phạm tội một lần, không có đủ chứng cứ để quy kết bị cáo đã tấn công trẻ thứ hai. Vậy nên HĐXX phúc thẩm chỉ kết tội bị cáo đã dâm ô một trẻ, tức xử theo khoản 1 (tù từ sáu tháng đến ba năm) chứ không phải là theo khoản 2 Điều 116 BLHS 1999 (tù từ ba năm đến bảy năm) như án sơ thẩm đã xử. Do xét thấy bị cáo có nhiều điều kiện được hưởng án treo theo Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên HĐXX đã xử treo.

Phải ghi nhận là thẩm phán Thiện đã có sự thẳng thắn với báo chí về các lý do tuyên án, điều mà ít thẩm phán của những vụ án bị điều tiếng chịu làm. Tuy nhiên, những giãi bày của ông cùng những quyết định có liên quan của các tòa cho thấy có nhiều điều cần xem xét thêm.

- Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bản án số 70/2018/HS-PT ngày 11-5 mà TAND Bà Rịa-Vũng Tàu vừa phát hành có chính thức ghi nhận bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như lớn tuổi, có mắc vài bệnh nên khả năng nhận thức bị ảnh hưởng… và không hề có việc đang là đảng viên. Vậy chi tiết “là đảng viên…” gây nhiều bất bình về một sự chiếu cố không hợp lẽ được nhiều báo ghi nhận tại phiên tòa ở đâu ra? Nhiều báo đều ghi sai dù khá hy hữu hay thẩm phán Thiện có đọc trước tòa và giờ đã loại bỏ trong bản án? Nếu quả thật có sơ suất (rất dễ xác định qua ghi âm của các phóng viên) thì vì sao thẩm phán Thiện không mạnh dạn nhận lỗi?

Rồi với đòi hỏi của BLHS chỉ “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” mới được ưu ái, cớ sao lại dễ dàng xác định bị cáo - một cựu giám đốc ngân hàng ở tỉnh - có thêm tình tiết giảm nhẹ ở chỗ “có nhiều đóng góp cho ngân hàng địa phương” khi đây là việc bị cáo buộc phải làm khi đương chức?

- Về việc cho hưởng án treo: Đúng là Nghị quyết 01/2013 có hướng dẫn xử án treo đối với người có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên… Thế nhưng khoản 2b Điều 2 nghị quyết này cũng nhấn mạnh “không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án”. Do đâu mà thẩm phán Thiện bỏ qua lưu ý này?

- Về trách nhiệm của các cá nhân: Nếu lo ngại chứng cứ buộc tội có phần mong manh, bị cáo có thể sẽ tìm đến cái chết để được minh oan… như lời của thẩm phán Thiện, HĐXX có thể hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc tuyên vô tội. Đằng này HĐXX lại chọn giải pháp lưng lửng như một sự bẻ cong công lý. Vậy, khi bản án là sự hội tụ những quyết định của các thành viên HĐXX thông qua biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một, tại sao chỉ có mỗi chủ tọa phiên tòa mà không có thẩm phán “cánh gà” cùng bị tạm đình chỉ công tác?

Trước án treo trêu ngươi nói trên, tức thời có rất nhiều suy đoán, thậm chí nhiều người còn chắc như đinh đóng cột như thể đã trực tiếp chứng kiến những đồng tiền được giao nhận, chia chác (!). Sau lời khẳng định của chủ tọa phiên tòa là HĐXX “hoàn toàn trong sạch” để từ đó cho ra cách hiểu các thẩm phán dở chứ không bậy, có không ít người đã cười khẩy…

Kết quả tiếp theo sẽ phải chờ thêm nhưng cái giá mà những thẩm phán xử án sai (và nghiệt ngã hơn là có thể có cả người thân của họ) phải trả là không nhỏ. Bởi một lẽ đơn giản là niềm tin trong xã hội về nhiều mặt đã bị đánh mất quá nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm