Chiều 18-5, trả lời PV báo Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu- chủ toạ phiên toà phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Khắc Thuỷ phạm tội dâm ô với trẻ em, cho biết: “Đã nhận được quyết định đình chỉ công tác xét xử để kiểm điểm. Trong thời gian chờ toà cấp trên xem xét lại vụ việc, tôi sẽ tạm thời xin nghỉ phép một thời gian. Email cá nhân của tôi ngập tràn những thư ảo lăng mạ, xúc phạm, miệt thị tôi một cách nặng nề. Tôi muốn cùng gia đình nghỉ ngơi để lấy lại cân bằng cho các con sau khi chính các cháu cũng bị dân mạng xúc phạm, miệt thị…”.
Ông Thiện cho hay ông đã có báo cáo giải trình quá trình giải quyết vụ án phúc thẩm trên gửi lãnh đạo TAND tỉnh và TAND Tối cao.
Chứng cứ buộc tội yếu, khó kết tội
Theo ông Thiện, trước khi ông được giao giải quyết vụ án, một số thẩm phán khác đã được dự kiến phân công để làm chủ toạ phiên toà. Tuy nhiên họ đều bày tỏ quan điểm sau khi nghiên cứu hồ sơ là chứng cứ buộc tội bị cáo rất yếu, khó kết tội bị cáo… Sau đó, vụ án được giao lại cho ông Thiện.
Về phần mình, nhận thấy vụ án phức tạp, bị cáo kêu oan ngay từ đầu nên ông Thiện đã tập trung nghiên cứu nội dung vụ án. Quan điểm của ông Thiện về vụ án đã được báo cáo lên Uỷ ban Thẩm phán, lãnh đạo địa phương.
Ở vụ án thứ nhất quy kết ông Thuỷ có hành vi dâm ô với cháu A.D (sinh năm 2008) vào một ngày cuối tháng 4-2014 quan điểm ông Thiện như sau: “Vụ việc xảy ra gia đình bị hại không tố cáo đến cơ quan chức năng giải quyết ngay mà đến đầu năm 2017 mới tố cáo. Lúc cháu D. bị xâm hại là 6 tuổi, khi các ĐTV ghi lời khai thì cháu 9 tuổi. Tôi nhận thấy không có căn cứ khẳng định lời trình bày của bị hại về sự việc xảy ra ba năm trước là đúng. Lý do tôi nghi ngờ là cháu khai quá chi tiết, tôi xin trích nguyên văn cáo trạng và bản án sơ thẩm…Theo quan điểm của tôi, không thể nào cháu D. có trí nhớ siêu việt, nhớ từng chi tiết và nhớ nguyên văn để đến ba năm sau trình bày trước CQĐT nếu không có sự chỉ dẫn, nhắc tuồng của người lớn. Trong cuộc họp, đồng chí phó chánh án TAND tỉnh đồng tình với tôi quan điểm trên.
Ở vụ thứ hai xảy ra với cháu H.A khoảng cuối tháng 5-2014. Ông Thiện cũng trích nguyên văn cáo trạng và bản án sơ thẩm và đặt vấn đề: “Liệu cháu A. trình bày có đúng sự thật hay không. Vì cháu A. thời điểm bị xâm hại khoảng 11 tuổi, cháu không kể lại cho gia đình nghe biết sự việc. Đến cuối 2016 khi cháu A. cung cấp lời khai đầu tiên tại CQĐT đã 30 tháng. Theo tôi rất có khả năng cháu A. và cháu N. (nhân chứng) trình bày lời khai theo hướng buộc tội ông Thuỷ là có sự chỉ bảo của người lớn.
Bên cạnh đó, ông Thuỷ thực hiện hành vi dâm ô thì cháu A. đang quỳ trên giường nệm thì bị ông Thuỷ có hành vi dâm ô thời gian từ 10-15 phút. Vấn đề này theo ông Thiện: “Không thể có tình trạng cháu A. trong tư thế quỳ suốt 10-15 phút như trình bày của cháu A. và cháu N. Ngoài ra, cháu A. đang bưng tô cơm để ăn và trong tư thế quỳ trên nệm ở giường kê bên trong sát cửa sổ thì ông Thuỷ từ bên ngoài cho tay qua cửa sổ và sờ vào người thì cháu A. chắc chắn phải có phản ứng rụt người lại, hoặc ngồi thụp xuống, hoặc lùi lại phía sau và có thể làm rơi tô cơm, thì bị cáo không thể từ bên ngoài có thể thực hiện hành vi dâm ô. Ý kiến đề xuất của tôi là huỷ án để điều tra giải quyết lại, do việc kết tội bị cáo ngoài lời khai của bị hại một cháu 6 tuổi, một cháu 11 tuổi trong khi có sự tác động của người lớn thì không có tài liệu chứng cứ nào khác chứng minh.
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm
"Cá nhân tôi và các thành viên HĐXX hoàn toàn trong sạch"
Theo ông Thiện, ông cũng nhận thấy nếu huỷ án điều tra lại thì vụ án có khả năng rơi vào bế tắc do người đại diện cho bị hại có văn bản đề nghị sau lần làm việc cuối cùng với CQĐT thì yêu cầu các cơ quan chức năng không triệu tập bị hại và người đại diện đến để làm việc hoặc xét xử. Do họ muốn các cháu có tâm lý ổn định để tiếp tục học tập; đồng thời đại diện cho các bị hại không có bất cứ yêu cầu gì trong vụ án. Ngoài ra, bị cáo kêu oan, thà chết không nhận tội; không có thể thu thập được thêm tài liệu chứng cứ nào mới để có thể làm căn cứ kết tội bị cáo…
Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thẩm phán và các thành viên dự họp xét thấy vụ án thứ nhất có căn cứ kết tội ở vụ án cháu A.D do có bốn lời khai phù hợp (dù là một bên) và không có căn cứ kết tội bị cáo ở hành vi thứ hai, với cháu H.A.
Lý do cho bị cáo Thuỷ hưởng án treo. Bị cáo Thuỷ là người già phạm tội, có bệnh, sức khoẻ yếu... có các bệnh ảnh hưởng đến khả năng nhận thức; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, lần đầu phạm tội, không có tình tiết tăng nặng, nhiều tình tiết giảm nhẹ theo điểm n khoản 1 Điều 46, BLHS năm 1999 nên đủ điều kiện cho hưởng án treo theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 NQ 01/2013/NQ-HĐTP về “Hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo”. Nên HĐXX thống nhất cho bị cáo hưởng án treo có thời gian thử thách là đủ tác dụng giáo dục bị cáo ý thức tuân theo pháp luật nói riêng và phòng chống tội phạm chung trong xã hội.
Lý do thứ hai là tâm lý của HĐXX. “Cá nhân tôi và các thành viên HĐXX hoàn toàn trong sạch nên đủ dũng cảm để đi đến quyết định trên.
Bị cáo Thuỷ kêu oan, thà chết không nhận tội. Bị cáo đã có ý định tự thiêu để phản đối tại phiên toà sơ thẩm. Do vậy trong phương án bảo vệ có xe cứu hoả túc trực đề phòng ông Thuỷ tự thiêu. Tại phiên toà phúc thẩm cũng vậy. Có bác sĩ túc trực nhưng tôi vẫn yêu cầu công an kiểm tra nước uống của ông Thuỷ đề phòng ông pha sẵn thuốc độc. Ông Thuỷ nung nấu ý định tìm đến cái chết để giải thoát, có khả năng tự vẫn do mất niềm tin vào công lý và hoàn cảnh gia đình không còn gì để mất (con trai đi tù chung thân, căn nhà duy nhất đã bản để trả nợ cho con trai; căn hộ đang ở là do lòng hảo tâm cán bộ ngân hàng nơi ông thuỷ từng công tác góp tiền mua cho; con gái bị khủng bố đến mức phải thôi việc tại ngân hàng, ông Thuỷ bị mọi người khinh thường…). Do đó, nếu kết tội bằng một hình thức phạt tù, ông Thuỷ bị đẩy đến bước đường cùng tìm đến cái chết để bảo vệ danh dự và lấy cái chết để làm áp lực các cơ quan TW vào cuộc điều tra… Và rất có khả năng các cơ quan TW nhận thấy chứng cứ để kết tội ông Thuỷ rất mong manh để kết luận ông Thuỷ không phạm tội. Khi đó, HĐXX do tôi chủ toạ chắc chắn nhận hậu quả khủng khiếp hơn bây giờ”- ông Thiện giải trình.
“Sau khi tuyên án ngày 11-5 đến nay, tôi phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận, phần đông không hiểu tận tường sự việc, không tiếp xúc hồ sơ nên không rõ, chỉ theo dư luận một chiều, trong đó đa phần lăng mạ, bôi nhọ danh dự nhân phẩm cá nhân tôi và HĐXX. Một số người giữ chức vụ cao (dù không hiểu tường tận sự việc) nhưng cũng bị cảm xúc dư luận dẫn dắt nên có bài viết, lời phát biểu chưa thực sự chuẩn mực trên báo chí, dẫn đến cộng đồng mạng càng bức xúc. Bản thân tôi bị MXH khủng bố; lý lịch mẹ tôi là con liệt sĩ cũng bị đem ra chửi bới, bôi nhọ. Bản thân tôi và người thân trong gia đình tự tăng cường các biện pháp an ninh phòng tránh khủng bố. Hiện vụ việc đã được chuyển lên cấp trên. Trong trường hợp có kháng nghị huỷ án để điều tra hoặc xét xử lại, kính mong TAND Tối cao xem xét tận tường sự việc như tôi đã trình bày nêu trên”- ông Thiện bày tỏ.