OceanBank, PVN đồng loạt đòi bồi thường

Ngày 21-9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 17. Tòa cho các nguyên đơn dân sự và người có quyền, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của mình.

“Ai gây thiệt hại thì phải bồi thường”

Luật sư (LS) Nguyễn Đình Hưng, người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank mới), cho rằng sau khi OceanBank cũ bị mua lại với giá 0 đồng, OceanBank mới kế thừa quyền, nghĩa vụ gánh thiệt hại. Do vậy OceanBank mới hoàn toàn đủ tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.

Từ năm 2010 đến năm 2014, OceanBank đã chi lãi ngoài cho khách hàng 1.576 tỉ đồng, trong đó có 246 tỉ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn và để Sơn phạm những tội khác. CQĐT đã tách 246 tỉ đồng này ra khỏi tội cố ý làm trái, phần còn lại 1.330 tỉ đồng do các bị cáo ở đây thực hiện chi. Động cơ, mục đích của việc chi này là không đúng, việc hạch toán giúp rút những khoản tiền ra khỏi tài khoản cũng là trái pháp luật, đã được CQĐT chứng minh là trái với quy định về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.

Khi các bị cáo được xác định làm trái quy định thì mặc nhiên phải có trách nhiệm với sai phạm này, không phải là nguyên đơn dân sự đòi; còn cá nhân người nào phải chịu trách nhiệm đến đâu thì do HĐXX quyết định. Từ số liệu chung cho thấy OceanBank bị thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng, xảy ra trước khi ngân hàng này bị mua 0 đồng. Chưa dừng lại, tiền của OceanBank còn bị “mất” tại Công ty BSC và 80 hợp đồng mua bán bất động sản.

Tiếp lời đồng nghiệp, LS Nguyễn Thị Bắc (cũng bảo vệ quyền lợi cho OceanBank mới) khẳng định bị cáo Hứa Thị Phấn đã hưởng lợi 500 tỉ đồng, do đó bị cáo Phấn phải hoàn trả khoản tiền này cho OceanBank, kể cả tiền lãi.

Chốt vấn đề, bà Vũ Thị Kim Ngọc, đại diện OceanBank mới, đề nghị HĐXX xem xét triệt để các ý kiến của LS và có phán quyết hợp tình, hợp lý.

Tương tự, LS Nguyễn Văn Thái (người bảo vệ quyền lợi cho PVN) cũng nêu quan điểm PVN cần được bồi thường. LS Thái đề nghị HĐXX xác định rõ nếu có thiệt hại thì tuyên buộc những cá nhân gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho PVN. Đồng thời, HĐXX tránh sử dụng những từ ngữ thể hiện PVN đã nhận tiền chi lãi ngoài hay chăm sóc khách hàng từ OceanBank trong phiên tòa nhằm tránh hiểu nhầm từ dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của PVN…

Trước đó, ông Hoàng Văn Dũng, đại diện PVN, cũng nói rằng tập đoàn này góp 800 tỉ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ) vào OceanBank. Trong vụ án, OceanBank bị xác định đã thiệt hại 1.576 tỉ đồng nên PVN có liên quan đến thất thoát này.

Bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, muốn dùng tài sản để giảm tội cho chồng. Ảnh: TUYẾN PHAN

Muốn dùng tài sản để “chuộc tội”

Tại tòa, khi đề cập đến vấn đề gây thiệt hại, hai cá nhân đã nêu quan điểm muốn dùng tài sản cá nhân để bồi hoàn.

Người thứ nhất là bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Bà Xuân được HĐXX mời trình bày về nguồn gốc tài sản của gia đình. Bà cho hay gia đình bà đang sống trong ngôi nhà bên đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội), đây là ngôi nhà chung của vợ chồng, hình thành 10 năm trước khi ông Sơn về làm việc tại OceanBank. Với số cổ phiếu mà ông Sơn đứng tên hình thành năm 2006, trước khi về làm tổng giám đốc OceanBank, bà Xuân nói đây cũng là tài sản chung của hai vợ chồng.

Bà Xuân trình bày nếu chồng bà thực sự chiếm đoạt tài sản trị giá hàng trăm tỉ đồng trong giai đoạn 2009-2014 thì gia đình phải có hàng trăm tỉ. Còn trong trường hợp chồng mình bị quy kết làm thất thoát tài sản, bà sẵn sàng dùng mọi tài sản để bồi hoàn tối đa trong khả năng, chỉ mong ông Sơn được hưởng lượng khoan hồng.

Tuy nhiên, bà xin được giữ lại ngôi nhà đang có mẹ ruột (là mẹ liệt sỹ) sinh sống. Nguồn tiền mua ngôi nhà đó có trước khi ông Sơn về OceanBank, tiền mua nhà do mẹ bà vay ngân hàng trả góp trong giai đoạn 2004-2006.

Người thứ hai là bị can Ninh Văn Quỳnh, cựu phó tổng giám đốc PVN. Ông Quỳnh bị bắt giam vào ngày 1-9 vừa qua, hôm nay được triệu tập tới tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại tòa, ông Quỳnh tiếp tục khẳng định đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn 20 tỉ đồng và cho biết có đề nghị CQĐT, VKS xin được khắc phục số tiền trên để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Bị can này nói bản thân đã thành khẩn khai báo với CQĐT trong mối quan hệ với Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, do đó mong được xem xét.

Trong khi đó, thông qua người đại diện, bà Hồ Thị Quỳnh Nga, vợ bị cáo Hà Văn Thắm, cũng có ý kiến. Bà Nga gửi lời cảm ơn đến bị cáo Thắm vì trong khoảng hai năm dù chưa được gặp con nhưng cựu chủ tịch HĐQT OceanBank vẫn giữ được sức khỏe và sự điềm đạm, đồng thời bà gửi lời biết ơn đến CQĐT đã tạo điều kiện cho chồng mình.

Để dành thời gian cho VKS chuẩn bị phần tranh luận, tòa tuyên nghỉ sớm và sẽ tiếp tục làm việc vào chiều nay, 22-9.

Đề nghị nhập chung với các vụ án vừa khởi tố

LS Đỗ Ngọc Quang, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị can Ninh Văn Quỳnh, đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để gộp với các vụ án vừa khởi tố lại làm một vụ án để đảm bảo tính khách quan. LS này cho rằng các bị cáo đều đã thực hiện tốt vai trò của mình nhưng không hề biết hành vi đó lại gây hậu quả. Việc thực hiện một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không nhận thức được hành vi đó thì sẽ được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Theo LS Quang, lời khai của Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Xuân Thắng là không thống nhất. Khi ông Thắng đưa tiền cho ông Ninh Văn Quỳnh cũng không biết rõ là có bao nhiêu tiền, do đó cần thẩm tra lại số tiền của ông Quỳnh đã nhận là bao nhiêu.

Ngoài ra, việc tách hành vi của ông Quỳnh để điều tra trong vụ án khác là không hợp lý. Theo luật, chỉ được tách khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra với tất cả tội phạm và không ảnh hưởng đến hiện thực khách quan của vụ án. Hành vi của Thắng, Sơn, Quỳnh là quá trình liên quan, gắn liền với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...