Cảnh sát kể chuyện mai phục thực phẩm bẩn

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn trên địa bàn.

Lần theo dấu vết…

“Rau muống bào được sử dụng hằng ngày cho các món ăn bình dị như bún riêu, bún bò Huế hoặc trộn rau sống chấm nước thịt… Giữa tháng 7-2016, từ nguồn tin một số hộ dân ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (TP.HCM) ngâm rau muống bào với hóa chất để có màu xanh đẹp mắt, PC49 vào cuộc” - Thượng úy Nguyễn Văn Nghĩ, cán bộ Đội 3 thuộc PC49, nói.

“Tuy nhiên, để những đối tượng liên quan thừa nhận hành vi sai phạm buộc phải có chứng cứ rõ ràng. Suốt một tuần điều nghiên và sử dụng biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng chúng tôi cũng có trong tay mẫu hóa chất này dùng ngâm rau muống bào” - Thượng úy Nghĩ cho biết.

Sau đó, PC49 gửi mẫu hóa chất tới một trung tâm ở TP.HCM phân tích để kiểm định. Nhận được kết quả mẫu hóa chất nói trên không nằm trong danh mục cho phép, PC49 tiếp tục nhờ trung tâm phân tích ảnh hưởng của hóa chất đối với sức khỏe người sử dụng. “Sau khi biết hóa chất dùng ngâm rau muống bào cực kỳ nguy hại, PC49 tiếp tục truy tìm người cung cấp. PC49 phải lần theo dấu vết đối tượng từ sáng đến tối, thỉnh thoảng thay đổi lực lượng để tránh bị phát hiện. Nhiều lúc bỏ dở dĩa cơm đang ăn ở quán ven đường để bám theo đối tượng vừa chạy ngang. Cũng có lúc nhịn khát theo sau đối tượng suốt quãng đường dài. Cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện người cung cấp hóa chất dùng ngâm rau muống bào đang ở trong con hẻm phường 15, quận Gò Vấp (TP.HCM)” - Thượng úy Nghĩ kể.

Khi có đầy đủ chứng cứ, PC49 lên kế hoạch phá án. “Đêm 7-9, PC49 cùng cơ quan chức năng bất ngờ xuất hiện tại ba hộ sản xuất rau muống bào ngâm hóa chất ở xã Bình Mỹ, Củ Chi. Trước chứng cứ thuyết phục của PC49, cả ba hộ thừa nhận hành vi sai phạm. Một tuần sau, PC49 kiểm tra địa điểm cung cấp hóa chất và đối tượng không thể chối cãi. Từ lời khai của người cung cấp hóa chất, PC49 tiếp tục mở rộng điều tra” - Thượng úy Nghĩ cho biết thêm.

Vú heo biến chất phát hiện tại nhà ông Cao Chí Đông. Ảnh: ĐỨC ANH

Chặt đứt “vòi” cung cấp vú heo thối

“Tháng 11-2015, cơ sở của PC49 phát hiện một số xe khách Bắc-Nam hướng Bình Dương, Đồng Nai vào TP.HCM dừng đậu tại những điểm bất thường vào ban đêm. Nhiều thùng hàng ghi tiếng Trung Quốc, chảy nước hôi hám được chuyển từ xe khách xuống xe tải nhỏ rồi lao đi trong đêm” - Thiếu tá Nguyễn Đức Anh, cán bộ Đội 4 thuộc PC49, thuật lại.

Sau khi nhận được nguồn tin từ cơ sở, Ban Chỉ huy PC49 chỉ đạo lực lượng Đội 4 vào cuộc. “Hơn một tháng trời, chúng tôi nằm vùng tại những điểm xe khách xuống hàng… Cuối cùng, chúng tôi phát hiện bên trong thùng hàng toàn vú heo thối của Trung Quốc và được tập kết tại 108/2 quốc lộ 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (TP.HCM) do ông Cao Chí Đông làm chủ. Hằng ngày tầm 3 giờ sáng, ông Đông mở cửa cho xe vào giao hàng” - Thiếu tá Anh cho biết.

Chưa dừng tại đây, PC49 tiếp tục đeo bám những xe máy vào lấy hàng tại nhà ông Đông và nắm được điểm đến cuối cùng là các quán nhậu. “Khi đã biết tường tận đường dây vận chuyển và phân phối vú heo thối, PC49 lên kế hoạch phối hợp với Chi cục Thú y TP.HCM phá án. Khoảng 3 giờ sáng, tôi và một đồng đội mặc thường phục, đi xe máy đến trước nhà ông Đông giả vờ hỏi thăm đường. Thấy cánh cửa chỉ khép hờ, tôi vào trình thẻ ngành. Không đầy một phút sau, đồng đội và cơ quan chức năng có mặt. Bước vào khu vực để hàng, mọi người bịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên. Không thể chối cãi, ông Đông ký vào biên bản kinh doanh 2,5 tấn vú heo không nguồn gốc, đã biến chất” - Thiếu tá Anh nói.

Theo chân người bỏ mối thịt nhím giả

“Khoảng tháng 3-2016, PC49 phát hiện một số điểm bán thịt nhím, nai, đà điểu với giá quá rẻ, mỗi ký chỉ từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng. Nhận định thịt nai, nhím nói trên là giả, Ban Chỉ huy PC49 giao Đội 3 phá án” - Đại úy Nguyễn Ngọc Thái Hòa, Đội phó Đội 3 thuộc PC49, nhớ lại.

Sau vài tuần theo dõi, PC49 phát hiện cơ sở sản xuất thịt nai, đà điểu, nhím giả đặt tại căn nhà trên đường số 3, khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) do bà Th. làm chủ. PC49 tìm cách có được những mẫu thịt giả nói trên rồi mang kiểm định, kết quả là tất cả đều làm từ thịt… heo.

Cảnh sát kể chuyện mai phục thực phẩm bẩn ảnh 2

Thịt nhím giả được ra lò từ “nhà máy” của bà Th. Ảnh: THÁI HÒA

Cơ sở chế biến nai, đà điểu, nhím giả luôn kín cổng cao tường, rất khó tiếp cận. Sau thời gian theo dõi, PC49 phát hiện ông C. thường xuyên nhận hàng từ cơ sở rồi giao cho các quán nhậu trên địa bàn TP.HCM bằng xe máy. “Đúng 8 giờ 30 ngày 2-6, ông C. đang giao hàng cho một quán nhậu trên địa bàn quận 6 thì PC49 và cơ quan chức năng đề nghị kiểm tra. Do 80 kg đà điểu không nguồn gốc, không giấy tờ nên đoàn kiểm tra buộc ông C. quay về địa điểm nhận hàng. Nghe tiếng gọi của ông C., người trong cơ sở mở cửa. PC49 và cơ quan chức năng ập vào và phát hiện hơn một tấn thịt nai, nhím, đà điểu giả chuẩn bị xuất xưởng. Không thể chối cãi, bà Th. ký biên bản thừa nhận hành vi sai phạm” - Đại úy Hòa nói.

___________________________________

Trong các sai phạm liên quan đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm hằng năm do PC49 phát hiện có đến 50% vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Do liên tục phát hiện các hành vi sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển nên PC49 đã góp phần hạn chế thực phẩm bẩn lưu thông ngoài thị trường.

Ông VÕ VĂN HỮU, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM

Thời gian qua, nhờ nghiệp vụ chuyên môn giỏi nên PC49, Công an TP.HCM phát hiện được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận chuyển thực phẩm bẩn. Chi cục Thú y TP.HCM và PC49 cũng đã ký kết quy chế phối hợp phát hiện, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không an toàn. Thực tế cho thấy sự phối hợp của chi cục và PC49 rất hiệu quả.

Ông PHAN XUÂN THẢO,
Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm