Quân đội Mỹ vừa mở chiến dịch Cây giáo cao quý, triển khai 40 lính đặc nhiệm hỗ trợ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, hãng tin CNN (Mỹ) dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Adrian J.T. Rankine-Galloway ngày 16-9.
“Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã được chấp nhận hộ tống binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ phe đối lập Syria tiêu diệt IS.” theo ông Rankine-Galloway.
Theo đề nghị của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đề xuất kế hoạch triển khai lính đặc nhiệm hỗ trợ quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria lên Tổng thống Obama, và được chấp thuận. Chiến dịch Cây giáo Cao quý được thống nhất trong tuần rồi.
Theo ông Rankine-Galloway, số lính đặc nhiệm này được triển khai ở TP Jarrabulus và thị trấn Al-Rai thuộc tỉnh Aleppo (bắc Syria). Nhiệm vụ sẽ là cố vấn, hỗ trợ, huấn luyện binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ - nhiệm vụ mà lực lượng Mỹ đã và đang thực hiện với phe nổi dậy Syria và lực lượng người Kurd, các tay súng Ả Rập chống IS ở Syria.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến về TP biên giới Jarabulus (tỉnh Aleppo, Syria) ngày 25-8. Ảnh: CNN
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai chiến dịch Tấm khiên Euphrates, đưa binh sĩ, xe tăng, xe bọc thép vào Syria để hỗ trợ phe nổi dậy Syria tiêu diệt IS từ tháng 8. Nhờ chiến dịch này, IS đã bị đẩy lùi khỏi TP Jarabulus (tỉnh Aleppo). Mỹ chỉ hỗ trợ chiến dịch này với hình thức không kích. Việc Mỹ đưa lính đặc nhiệm vào Syria là một động thái mới, đáng chú ý.
Tháng trước, một quan chức Mỹ từng nói với CNN rằng ban đầu Mỹ cũng có ý định đưa lực lượng đặc nhiệm Mỹ tham gia chiến dịch Tấm khiên Euphrates cùng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ đầu, nhưng các bên chưa thống nhất được.
Theo CNN, sự có mặt của lính đặc nhiệm Mỹ bên hàng ngũ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Mỹ muốn đảm bảo sẽ không có sự xung đột giữa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng các tay súng người Kurd ở Syria vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là mối đe dọa an ninh nhưng lại được Mỹ xem là đồng minh trong cuộc chiến chống IS.
Tại Syria trước đó đã có 300 lính đặc nhiệm Mỹ do Tổng thống Mỹ Obama chỉ đạo triển khai để truy quét IS từ tháng 4. Chưa rõ nhóm 40 lính đặc nhiệm này được điều động từ nhóm 300 lính đặc nhiệm kia, hay là nhóm hoàn toàn mới.
Bộ Quốc phòng Mỹ luôn khẳng định vai trò của lính Mỹ tại Syria không phải là trực tiếp chiến đấu mà chỉ là thực hiện nhiệm vụ cố vấn, hỗ trợ không kích, giúp các lực lượng địa phương lên kế hoạch tác chiến.
Tính tới giờ chưa có binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng ở Syria, tuy nhiên đã có vài người bị thương.