Ông Lý Quang Diệu thời còn trẻ. Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến năm 1990, là vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử nước này.
Lý Quang Diệu sinh ngày 16 tháng 9 năm 1923 tại Singapore. Một thời gian ngắn ông sống tại ngôi nhà này, nay là Neil Road. Tại thời điểm đó, Singapore còn chịu sự cai trị của thực dân Anh. Nghĩa là ông sinh ra là một công dân Anh, và tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.
Dù có gốc thuộc dòng dân di cư "thế hệ thứ ba" từ Trung Quốc, nhưng Ông không nói tiếng Trung Quốc cho đến khi ông 30 tuổi. Lý Quang Diệu học tại một trường học tiếng Anh ở Singapore, là học sinh giàu thành tích nhất tại Singapore và Malaysia.
Thế chiến thứ Hai bùng nổ thúc đẩy Lý Quang Diệu sang Anh vừa du lịch và học đại học. Tháng 2-1942, Anh quốc khủng hoảng, thất bại trước người Nhật. Ông Lý Quang Diệu bị vây bắt và suýt chết trong vụ thảm sát Sook Ching, một trong những hành động tàn bạo quy mô lớn của những năm thế chiến.
Sau đó, ông cho biết đã có khoảng 50.000 đến 100.000 người chết trong cuộc thảm sát này. Việc thực dân Anh thất bại trong việc ngăn chặn các vụ thảm sát là bằng chứng cho thấy Singapore phải tìm độc lập của riêng mình.
Trong chiến tranh, ông làm thông dịch viên tiếng Nhật, và quản lý vận hành một số cơ sở kinh doanh hồ dán do chính ông làm chủ.
Chiến tranh kết thúc, Lý Quang Diệu vào đại học. Lúc đầu, ông học tại Trường Kinh tế danh tiếng London, sau đó tiếp tục học tại Đại học Cambridge của Anh. Tại Anh, ông kết hôn với bà Kha Ngọc Chi vào năm 1965 (ảnh trái), một học giả xuất sắc người Singapore và sau này trở thành luật sư. Đám cưới của hai người diễn ra bí mật ở khu Stratford-upon-Avon.
Năm 1949, Lý Quang Diệu trở về Singapore dù ông có cơ hội làm việc trong ngành luật tại Anh. Ở Singapore, ông hành nghề luật sư và tham gia vào phong trào công đoàn.
Năm 1954, Lý Quang Diệu trở thành nhà sáng lập và là Thư ký đảng Nhân dân Hành động (PAP), một liên minh xã hội các phong trào nói triếng Trung và tiếng Anh nhằm mục tiêu chấm dứt sự cai trị của thực dân Anh.
Năm 1956 ông Lý Quang Diệu đến London cùng phái đoàn đòi quyền tự trị cho Singapore. Năm 1958, ông giúp thương thuyết đưa Singapore trở thành một chính phủ độc lập
Tháng 12-1959, Anh trao quyền tự trị cho Singapore, nhưng vẫn nắm kiểm soát các vấn đề ngoại giao và quốc phòng của đảo quốc này. (Ảnh: Lý Quang Diệu trong một cuộc tổng tuyển cử năm 1958).
Hai ngày sau quyết định của Anh, Lý Quang Diệu khi đó 36 tuổi, tiến hành tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng đầu tiên của Singapore - cương vị mà Ông nắm giữ suốt 3 thập kỷ sau đó.
Lý Quang Diệu ngay lập tức khởi động một kế hoạch hành động 5 năm đầy tham vọng với mục tiêu xóa nhà ổ chuột, xây dựng nhà ở chất lượng giá rẻ, công nghiệp hóa đất nước, chống tham nhũng. Ông nhấn mạnh Singapore phải trở thành một quốc gia đa sắc tộc.
Đảng PAP dưới sự dẫn dắt và điều hành của Lý Quang Diệu bắt đầu hành động để hướng đến việc tách Singapore độc lập hoàn toàn khỏi Anh và nhập vào Liên bang Malaya vì cho rằng đảo quốc Singapore quá nhỏ, thiếu nguồn tài nguyên để có thể tự thân tồn tại.
Ngày 16-9-1963, Lý Quang Diệu tuyên bố sáp nhập thành công Singapore vào Liên bang Malaya, chấm dứt 144 năm chịu sự cai trị của thực dân Anh
Tuy nhiên, căng thẳng sắc tộc giữa người Hoa (chiếm đa số tại Singapore) và người Malay ngày càng tăng xung quanh việc dân tộc nào sẽ là dân tộc đại diện Liên bang Malaysia.
Bất chấp lời kêu gọi bình tĩnh của Lý Quang Diệu, nhiều vụ bạo động lớn đã xảy ra khiến hơn 20 người chết, hàng trăm người bị thương. (Ảnh: Ông Lý Quang Diệu kêu gọi bình tĩnh, không xung đột xảy ra trong suốt tháng 7-1964).
Ngày 9-8-1965, Lý Quang Diệu bật khóc khi tuyên bố ông chấp nhận lời đề nghị của Malaysia, rằng Singapore sẽ ra khỏi liên bang để chấm dứt tình trạng bất ổn và đổ máu.
Ông gọi đó là “một khoảnh khắc đau đớn” và đi ngược lại “tất cả những gì mà chúng ta mong muốn”. Hai ngày sau, Lý Quang Diệu tuyên bố Singapore là một đất nước độc lập.
Trong suốt 31 năm sau đó, nhờ vào tầm nhìn của mình, Lý Quang Diệu đã đưa Singpore từ một thuộc địa bị bỏ rơi trở thành một trong những quốc gia giàu có, thịnh vượng nhất thế giới. Singapore trở thành quốc gia tiên phong trong việc xây dựng nhà ở xã hội và chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Lý Quang Diệu luôn khẳng định vai trò tối quan trọng của giáo dục. Ông thường xuyên nói rằng tài nguyên thiên nhiên duy nhất của Singapore là con người. Ông khuyến khích mạnh mẽ những người có học cao hiểu rộng kết hôn và sinh con. Singapore còn áp dụng chính sách mở cửa cho vốn đầu tư , thu hút lao động nước ngoài và siết chặt các quy định về sắc tộc (để hạn chế va chạm sắc tộc - NV).
Ông Lý Quang Diệu gặp nhiều chỉ trích rằng Singapore đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, Ông phản biện trên tờ Straits Times vào năm 1987 rằng: "Nếu tôi không làm điều đó, thì chúng ta sẽ không có ngày hôm nay. Chúng ta chỉ cần biết quyết định nào là đúng. Đừng bận tâm những gì thiên hạ nghĩ".
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào năm 2010, khi nói về thời gian cầm quyền của mình, Lý Quang Diệu nói: "Tôi không nói rằng tất cả mọi thứ tôi đã làm là đúng, nhưng chúng đều hướng tới mục đích tốt đẹp. Đôi khi việc tôi làm sẽ dẫn đến sự khó chịu cho nhiều người".
Năm 1981, lãnh đạo đảng Công nhân Joshua Benjamin Jeyaretnam giành ghế đối lập đầu tiên trong Quốc hội Singapore. Trước sự chỉ trích của Jeyaretnam đối với cách ông Lý Quang Diệu lãnh đạo Singapore, Lý Quang Diệu liên tục kiện vị chính trị gia đối lập vì tội bôi nhọ. Năm 2001, ông Jeyaretnam phá sản, không thể tiếp tục hoạt động chính trị. Sau đó, Jeyaretnam phải ra đường bán sách để trả nợ, và qua đời vào năm 2008 -
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Foreign Affairs vào năm 1994, Ông nhấn mạnh quan điểm: "Ở
phương Đông, mục tiêu chính là có một xã hội trật tự để mọi người có thể hưởng tự do tối đa. Tự do này chỉ có thể tồn tại trong một quốc gia có trật tự, chứ không phải trong tình trạng vô chính phủ". Ông Lý Quang Diệu bày tỏ ông muốn đảng PAP duy trì nắm giữ quyền lực.Ông Lý Quang Diệu được xem là nhà tư vấn quan trọng về châu Á cho rất nhiều lãnh đạo nước ngoài. Điển hình như vào năm 1978, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thăm Singapore để học hỏi mô hình phát triển của nước này.
Thủ tướng Anh Margaret Thatcher nói ông Lý Quang Diệu,"bằng sự minh bạch khác biệt đã diễn giải những vấn đề mang tính thời đại của chúng ta và giải pháp cho những vấn đề đó”.
Trong khi đó, nhà ngoại giao Henry Kissinger của Mỹ nhận xét không một nhà lãnh đạo trên thế giới nào giúp ông học hỏi được nhiều điều như Lý Quang Diệu. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama miêu tả Lý Quang Diệu như một trong những “nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21” .
Những năm cuối đời, phu nhân ông Lý Quang Diệu - bà Kha Ngọc Chi, lâm trọng bệnh, suy giảm trí nhớ, nằm liệt giường. Trả lời phỏng vấn tờ New York Times vào năm 2010, ông Lý Quang Diệu nói rằng, áp lực từ việc chăm sóc người vợ bệnh còn lớn hơn bất kỳ áp lực nào mà ông phải đương đầu trong chính trị.
"Bà ấy hiểu những gì tôi tâm sự với bà ấy mỗi đêm. Bà ấy thức để nghe tôi nói. Tôi kể cho bà ấy nghe về công việc ban ngày, đọc cho bà ấy nghe những bài thơ mà bà ấy thích”, ông Lý Quang Diệu nói.
Bà Kha Ngọc Chi qua đời vào tháng 10-2010. Có đến hàng nghìn người dân Singapore xếp hàng dài trên phố để tưởng nhớ và tới viếng bà.
“Không còn bà ấy, tôi sẽ trở thành một con người khác, với một cuộc sống khác (thiếu ý nghĩa hơn)”, Lý Quang Diệu nói trong tang lễ của vợ mình.
Lý Quang Diệu duy trì các hoạt động chính trị cho tới khi ông chuẩn bị từ giã cõi đời. Sau khi rời cương vị Thủ tướng vào năm 1990, ông giữ vai trò cố vấn nội các cho Singapore. Hầu như các vấn đề của Singapore đều có tiếng nói của vị "Thủ tướng về hưu" đầy uy tín này.
Ông đại diện cho khu vực bầu cử Tanjong Pagar ở trung tâm Singapore trong gần như hết cuộc đời chính trị của mình.
Một trong những lần xuất hiện cuối cùng của ông Lý Quang Diệu trước công chúng là khi ông tham dự lễ kỷ niệm 49 năm Quốc khánh Singapore vào năm 2014, khi ông 90 tuổi. Ông mất trước khi Singapore kỷ niệm 50 năm ngày độc lập vài tháng.