Thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (gọi tắt là NATO, gồm Mỹ và một số nước châu Âu) là cơ hội để các thành viên tái khẳng định sự đoàn kết, giải quyết các khác biệt để tăng tính thống nhất liên minh. Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, mục đích của thượng đỉnh NATO dường như khó đạt được. Thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra kịch tính ngay từ đầu quanh hai vấn đề: chi tiêu quốc phòng và quan hệ với Nga.
Tranh cãi việc tăng chi tiêu quốc phòng
Trong cuộc họp báo không lên lịch trước vào trưa qua (12-7) tại Brussels (Bỉ), ông Trump nhận định thượng đỉnh NATO đã “thành công”. Theo lời ông Trump, các thành viên NATO đã đồng ý sẽ tăng chi quốc phòng sau khi ông nói Nhà Trắng sẽ “cực kỳ không vui” nếu các nước này tiếp tục để Mỹ gánh 90% chi phí của NATO như hiện tại.
Trước đó một ngày (11-7), ông Trump yêu cầu các đồng minh phải tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng so với mức chính ông đưa ra trong kỳ thượng đỉnh năm trước, từ 2% lên 4% GDP. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders, con số 4% ông Trump nói là có sự tính toán trước của Mỹ chứ không phải nhất thời. Theo lời bà Sanders, ông Trump có nói đến chuyện tăng mức chi quốc phòng từ thượng đỉnh NATO năm ngoái nhưng quan chức các nước khác nói chuyện này hoàn toàn bất ngờ. Vả lại hiện tại còn nhiều nước NATO vẫn chưa thể đáp ứng được mức chi 2% GDP cho quốc phòng mà ông Trump nói năm ngoái.
Theo số liệu của NATO, năm ngoái Hy Lạp đã chi 2,2% GDP, Estonia 2,14%, Anh 2,1% và Ba Lan 2%. Trong khi đó, theo tính toán của NATO thì Mỹ đã chi 3,6% nhưng ông Trump khẳng định Mỹ chi tới 4,2% GDP cho quốc phòng. Hai thành viên lớn của NATO thường bị ông Trump chỉ trích gồm Pháp chi 1,8% và Đức ở mức 1,2%.
Theo AP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phủ nhận chuyện các nước NATO đồng ý tăng chi quốc phòng tới mức 4% GDP theo lời tuyên bố của ông Trump trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh NATO. Ảnh: CNN
CNN nhận định thực ra NATO không cần thiết phải chi thêm cả ngàn tỉ USD nữa cho quốc phòng nếu theo yêu cầu 4% GDP của ông Trump. Hiện mức chi của Mỹ (623 tỉ USD/năm) và các nước NATO khác cộng lại đã gần cả ngàn tỉ USD, vượt tổng tất cả các nước khác trên thế giới, đủ sức chống lại các kẻ thù. Nga chi 61 tỉ USD cho quốc phòng năm ngoái, Trung Quốc năm nay chi 175 tỉ USD. Hơn nữa, ông Trump không nói Nga là kẻ thù mà chỉ nói là một đối thủ, nếu thế tại sao NATO phải chi thêm cả ngàn tỉ USD nữa để đối phó?
Đức hứng bão
Tại cuộc họp báo ngày 12-7, ông Trump cũng bảo vệ cách ứng xử của mình với các đồng minh NATO - đặc biệt với Đức - rằng đó là cách tiếp cận “rất hiệu quả”. Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel một ngày trước đó, ông Trump rất gay gắt về chuyện Đức mua năng lượng của Nga. Từ trước khi thượng đỉnh khai mạc, ông Trump đã khiến các lãnh đạo NATO bất an khi chỉ trích Đức nặng nề trong cuộc gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Theo ông Trump, Đức đã bị Nga kiểm soát hoàn toàn khi ký thỏa thuận chi 11 tỉ USD xây đường ống dẫn khí nối từ Nga sang Đức, phụ thuộc năng lượng vào Nga, chưa kể chi quá ít cho quốc phòng trong khi Mỹ phải choàng gánh quá nhiều. Theo CNN, ông Stoltenberg dường như bất ngờ với sự quyết liệt của ông Trump, tới nỗi không kịp trở tay. Phần mình, bà Merkel ngày 11-7 khẳng định Đức hoàn toàn độc lập với Nga cũng như đóng góp rất nhiều cho NATO.
Để mở khả năng rút khỏi NATO
Với thái độ cứng rắn của ông Trump, tại cuộc họp báo trưa 12-7, có nhà báo đã hỏi liệu có phải ông Trump đang đe dọa rút Mỹ khỏi NATO, thậm chí không cần sự cho phép của Quốc hội? Ông Trump không ngần ngại nói ông hoàn toàn có thể làm điều này nhưng không cần thiết.
Trong lúc ông Trump gây sức ép cho các đồng minh NATO ở Bỉ thì tại Mỹ, các nghị sĩ lưỡng viện tối 11-7 đồng lòng ra nghị quyết ủng hộ NATO. Cụ thể, Mỹ “phải duy trì cam kết với các đồng minh NATO dù có bất mãn với khả năng đáp ứng của các nước này với chỉ tiêu chi tiêu của NATO”. Nhiều nghị sĩ Dân chủ nói sự sỉ nhục và phỉ báng Đức của ông Trump là một sự xấu hổ, lên án ông Trump nghiêng về phía Nga hơn là các đồng minh NATO.
CNN cho rằng cách làm của ông Trump không có lợi, chỉ đưa Mỹ vào thế đối đầu với NATO, đe dọa sự tồn tại của NATO. New York Times dẫn lời nhà phân tích cấp cao Jorge Benitez tại tổ chức chuyên về các vấn đề quốc tế Atlantic Council (Mỹ) rằng phát ngôn của ông Trump gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ với các đồng minh, không có lợi cho NATO lẫn Mỹ mà chỉ cho Nga. Trên Twitter ngày 11-7, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi NATO là một tổ chức “vô dụng”.
Theo thăm dò của thông tấn xã Đức GPA công bố ngày 12-7, có tới gần một nửa người Đức đồng ý để Mỹ rút quân về nước để không phải tốn tiền thêm cho lượng binh sĩ này. Cụ thể, 42% người Đức muốn Mỹ rút quân về nước, 37% muốn quân Mỹ ở lại, 21% còn lại không ý kiến. Mỹ đang có 35.000 quân tại Đức, bảo vệ an ninh Tây Đức từ thời Chiến tranh lạnh. Thăm dò được thực hiện trước khi Đức bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc dựa dẫm vào sự bảo vệ của Mỹ trong khi chi hàng tỉ USD mua năng lượng, làm giàu cho Nga. |