Ông Trump ra sắc lệnh chặn đoàn người di cư Trung Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-11 đã ký một sắc lệnh nhập cư cho phép Bộ An ninh Nội địa từ chối nhận đơn xin tị nạn của đoàn người di cư Trung Mỹ đang từ Mexico tiến về đất Mỹ, trừ những người qua biên giới chính thức bằng cách trình diện tại cửa khẩu.

Để được cấp quyền tị nạn, trước tiên người nhập cư phải thông qua một cuộc thẩm vấn tại biên giới. Còn những người bị từ chối nhận đơn sẽ bị xúc tiến trục xuất.

“Chúng ta cần người vào đất nước mình, nhưng họ phải đến bằng con đường hợp pháp và họ phải xứng đáng” – USA Today dẫn lời ông Trump nói trước khi đi Paris (Pháp) dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Nhân viên hải quan và lính biên phòng Mỹ xét giấy tờ một người Cuba xin tị nạn, tại bang Texas (Mỹ). Ảnh: AFP

Nhân viên hải quan và lính biên phòng Mỹ xét giấy tờ một người Cuba xin tị nạn, tại bang Texas (Mỹ). Ảnh: AFP

Ông Trump ra sắc lệnh nhập cư sau nhiều tuần tuyên bố cứng rắn sẽ đối phó đến cùng đoàn người di cư Trung Mỹ. Tuy nhiên, theo USA Today, sắc lệnh nhập cư này khả năng lớn sẽ bị các nhà hoạt động vì người nhập cư kiện ra tòa án.

Trước mắt ngay trong ngày 9-11, Liên đoàn Tự do Công dân Mỹ đã đệ đơn kiện sắc lệnh này của ông Trump. Theo luật Mỹ, người nhập cư được phép xin tị nạn dù có trình diện tại các cửa khẩu hay không đi nữa.

Đoàn người di cư tại bang Puebla (Mexico) ngày 4-11. Ảnh: EPA

Đoàn người di cư tại bang Puebla (Mexico) ngày 4-11. Ảnh: EPA

Sắc lệnh nhập cư này là nỗ lực mới nhất của ông Trump trong việc đối phó đoàn người di cư. Cuối tháng trước ông Trump tuyên bố sẽ đưa 15.000 quân tới biên giới với Mexico để chặn đoàn người di cư.

Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã huy động hơn 7.000 binh sĩ thường trực đến dọc biên giới với Mexico. Theo tin từ USA Today, hiện lượng binh sĩ được triển khai đến biên giới bang Arizona với Mexico đang lắp đặt dây thép gai dọc biên giới.

Binh sĩ Mỹ lắp đặt thép gai ở biên giới bang Arizona với Mexico, ngày 7-11. Ảnh: THE REPUBLIC

Binh sĩ Mỹ lắp đặt thép gai ở biên giới bang Arizona với Mexico, ngày 7-11. Ảnh: THE REPUBLIC

Về phần đoàn người di cư, sau gần một tháng xuất phát từ Honduras, từ giữa tuần, đoàn người di cư đã đến được thủ đô Mexico City (Mexico). Nói với AP, nhà chức trách Mexico City cho biết đã bố trí cho gần 5.000 người di cư trú tạm tại một sân vận động.

Trong số này có hơn 1.700 trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, 310 trẻ em dưới năm tuổi. 85% đoàn người là người Honduras, còn lại là từ Guatemala, El Salvador, Nicaragua.

Người di cư trú tạm tại một sân vận động ở thủ đô Mexico City (Mexico) ngày 7-11. Ảnh: AFP

Người di cư trú tạm tại một sân vận động ở thủ đô Mexico City (Mexico) ngày 7-11. Ảnh: AFP

Theo USA Today, khuya 8-11 đoàn người di cư đã bỏ phiếu để quyết định xem có đi tiếp sang Mỹ hay không. Và kết quả là sáng 9-11, đoàn người di cư vẫn tiếp tục lên đường tiến về biên giới với Mỹ.

“Tôi không quan tâm ông Donald Trump nói gì. Tôi sẽ đi bằng cửa chính, nhưng nếu họ không cho tôi vào, tôi sẽ vào bằng mọi cách có thể” – một người di cư Honduras nói.

“Nếu đi một mình, tôi sẽ rất sợ. Nhưng đây là cả đoàn, có các tổ chức nhân quyền bên cạnh chúng tôi, có cả truyền thông đưa tin” – một người di cư nói.

Người di cư Trung Mỹ quá giang trên một chiếc xe tải, tại Mexico ngày 5-11. Ảnh: AP

Người di cư Trung Mỹ quá giang trên một chiếc xe tải, tại Mexico ngày 5-11. Ảnh: AP

Trước đó, người di cư đã đề nghị Văn phòng nhân quyền của LHQ ở thủ đô Mexico City cung cấp xe buýt chở họ về biên giới với Mỹ, vì trời quá lạnh để đi bộ mà nếu bắt xe dọc đường thì quá nguy hiểm. Tuy nhiên, đề nghị này không được đáp ứng và sáng 9-11 họ vẫn phải đi bộ.

Đại diện đoàn người di cư Trung Mỹ kéo đến văn phòng nhân quyền của LHQ ở thủ đô Mexico City (Mexico) ngày 8-11 đề nghị cấp xe buýt chở họ về biên giới với Mỹ. Ảnh: AP

Đại diện đoàn người di cư Trung Mỹ kéo đến Văn phòng nhân quyền của LHQ ở thủ đô Mexico City (Mexico) ngày 8-11 đề nghị cấp xe buýt chở họ về biên giới với Mỹ. Ảnh: AP

Tốc độ di chuyển của đoàn người rất chậm, vì chủ yếu đi bộ. Và không như những ngày đầu quy mô đoàn người tăng dần khi từ Honduras sang Mexico, hiện số lượng đoàn người ngày một giảm dần. Hiện đoàn người di cư vẫn còn cách biên giới gần nhất với Mỹ (bang Texas) khoảng 1.100 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm