Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Kommersant (Nga) đăng ngày 6-5, đại sứ Pháp tại Nga Sylvie Bermann cho hay Pháp không còn khăng khăng giữ quan điểm rằng lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết để giải quyết khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.
Pháp không còn bám lấy quan điểm lật đổ ông Assad là điều kiện tiên quyết xử lý khủng hoảng ở Syria. Ảnh: SPUTNIK
“Chúng tôi sẽ không quyết định thay cho người dân Syria song việc ông Bashar Assad từ chức vô điều kiện là không thể bàn cãi” - bà Bermann nói và thêm rằng dù vậy Pháp vẫn không đồng ý các vùng lãnh thổ được giải phóng từ những kẻ khủng bố và các tay súng đối lập lại giao trọn cho chính phủ Damascus kiểm soát.
Khi được hỏi về các mục tiêu của Pháp ở Syria, bà Bermann nói rằng “trước hết đó là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”, thêm rằng Pháp đang đoàn kết với Nga. Mục tiêu chính thứ hai là vấn đề người tị nạn, theo đại sứ Pháp.
Theo đại sứ Pháp, ưu tiên của Paris ở Syria gồm cung cấp hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm giải pháp chính trị với sự tham gia của các bên trong xung đột Syria, ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học và chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố.
“Chúng tôi không có bất đồng cơ bản nào với Moscow trong các vấn đề trên” - bà Bermann nhấn mạnh.
Đại sứ Pháp nhấn mạnh rằng tương lai của Syria là vấn đề cần phải đối thoại giữa các lực lượng chính trị của nước này. “Ý tưởng này đã được nêu tại Hội nghị đối thoại quốc gia Syria ở Sochi và đã được phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria phê duyệt, lên kế hoạch cho thành lập một ủy ban hiến pháp giúp xử lý các vấn đề trong hiến pháp mới của Syria” - bà Bermann nói - “Nhưng tôi nghĩ chính phủ Syria đến nay vẫn chưa đá động gì”.
Đại sứ Pháp tại Nga Sylvie Bermann. Ảnh: TASS
Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhận được ủng hộ của tất cả thành viên trong hội đồng, trong đó có Pháp. Nghị quyết 2254 nêu rõ khủng hoảng ở Syria phải được giải quyết dựa trên nền tảng đối thoại giữa tất cả lực lượng chính trị có trong nước này. Nghị quyết thiết lập khung thời gian bầu cử tổng thống và bầu quốc hội sau khi đạt được hiệp ước. Nghị quyết không nói về tương lai của từng nhân vật cụ thể ở Syria, kể cả Tổng thống Assad, theo hãng tinItar Tass.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tinSputnik dẫn lời một thành viên cấp cao thuộc Hội đồng quân sự Manbij ở Syria, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6-5 cho biết quân đội Pháp đã đến Manbij và đang thiết lập căn cứ quân sự ở phía Bắc tỉnh này. "Pháp đang tăng cường hiện diện trong khu vực để ngăn các chiến dịch quân sự giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị quân đội Syria Tự do (FSA)" - nguồn tin khẳng định.
Xe bọc thép treo cờ Pháp tại Manbij. Ảnh: Twitter
Theo nguồn tin, có khoảng 50 lính Pháp đang đồn trú ở Manbij. Các tay súng Syria đã chụp hình ảnh hai xe bọc thép treo cờ Mỹ và Pháp tại khu vực này.
Hồi cuối tháng 4, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin quân đội Pháp đã triển khai lực lượng tới căn cứ Mỹ ở phía Đông Bắc thị trấn Remelan, Syria do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát. Binh sĩ Pháp băng qua biên giới Syria-Iraq hôm 26-4 và tham gia một số chiến dịch ở Manbij, Raqqa và Deir Ezzor.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước cũng đã gặp phái đoàn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, khẳng định nước này sẽ hỗ trợ bình định miền Đông Bắc Syria. Sau cuộc gặp, Pháp cho biết sẽ triển khai thêm quân tới miền Bắc Syria để sát cánh cùng người Kurd chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Syria rơi vào nội chiến kể từ năm 2011. Lực lượng chính phủ đang chiến đấu đẩy lùi các nhóm đối lập và tổ chức khủng bố. Một số nước, trong đó có Nga và các tổ chức quốc tế gồm cả Liên Hiệp Quốc đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia chiến sự này.