Các đồng minh thuộc Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 8-11 đã thống nhất kế hoạch lập thêm hai bộ tư lệnh quân sự mới nhằm tăng sức bảo vệ châu Âu trong trường hợp có xung đột với Nga. Quyết định này được đưa ra tại Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO cùng ngày tại Bỉ. Đây sẽ là bước mở rộng bộ máy chỉ huy quy mô lớn nhất của NATO trong hàng thập kỷ.
Với hy vọng tăng sức phòng thủ trước Nga, các bộ trưởng Quốc phòng NATO thống nhất sẽ lập một bộ tư lệnh Đại Tây Dương và một bộ tư lệnh hậu cần với mục đích phản ứng nhanh hơn với các đe dọa với châu Âu. “Điều này là sống còn với liên minh” - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói tại cuộc họp báo sau hội nghị.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo bên lề Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Bỉ ngày 8-11. Ảnh: REUTERS
Reuters dẫn thông tin từ nhiều nhà ngoại giao cho biết Đức rất muốn NATO lập bộ tư lệnh hậu cần ở nước mình. Vì vị trí chiến lược trung tâm châu Âu của Đức sẽ thuận lợi cho việc triển khai nhân sự và khí tài nhanh chóng đến các biên giới trong trường hợp có xung đột.
Các nước hàng hải như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ có thể sẽ được chọn làm địa điểm lập bộ tư lệnh Đại Tây Dương, theo các nhà ngoại giao, nhưng quyết định cụ thể vẫn chưa có. Chi phí phải đến năm 2018 mới bàn đến.
Hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Đức Ursula von der Leyen tại Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Bỉ ngày 8-11. Ảnh: REUTERS
Nhiệm vụ của bộ tư lệnh Đại Tây Dương sẽ trải dài một vùng rộng lớn, lập các tuyến đường biển an toàn cho Mỹ tăng viện đến châu Âu, sẽ do các chuyên gia về chiến tranh mạng cũng như vũ khí thông thường điều hành. Vùng hàng hải giữa đảo Greenland (Đạn Mạch), Iceland và Anh là vùng dễ tổn thương của NATO nếu có xung đột xảy ra, cần được giám sát tốt hơn, theo các nhà ngoại giao.
Quyết định này không có nghĩa NATO sẽ không khôi phục Bộ tư lệnh Đại Tây Dương được NATO lập từ thời Chiến tranh lạnh với quy mô lớn hơn nhiều và bị giải tán từ năm 2002. Tuy nhiên, đây sẽ là bước mở rộng hoạt động lớn nhất của NATO sau nhiều năm giảm quy mô sau sự kiện Liên bang Xô Viết tan rã.
Thời cao điểm Chiến tranh lạnh, NATO có tới 33 bộ tư lệnh với số quân nhân hiện diện lên tới 22.000. Hiện tại chỉ còn bảy bộ tư lệnh với không tới 7.000 quân nhân.
Từ trái qua: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Anh Gavin Williamson tại Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Bỉ ngày 8-11. Ảnh: REUTERS
Sự đồng lòng ủng hộ của các thành viên với kế hoạch lập thêm hai bộ tư lệnh quân sự mới cho thấy NATO đang tập trung năng lực của mình về bảo vệ lãnh thổ châu Âu sau thời gian phân tán với các chiến dịch ở Balkans, Libya, Afghanistan những năm gần đây.
“Chúng tôi muốn kéo NATO về lại với châu Âu và muốn tập trung hơn vào vai trò hàng hải của NATO” - theo Bộ trưởng Quốc phòng Nauy Frank Bakke-Jensen.
Hồi năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, NATO đã thực hiện chiến lược xoay vòng triển khai quân ở các nước vùng Baltic và ở Ba Lan, củng cố hiện diện ở biển Đen và nỗ lực hiện đại hóa lực lượng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ý Roberta Pinotti (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Maria Dolores de Cospedal tại Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Bỉ ngày 8-11. Ảnh: REUTERS
Nga - vốn luôn khẳng định mình không có ý định gây hấn châu Âu - trong ngày 8-11 đã lên án quyết định của NATO là nhằm bao vây Nga.
Tuy nhiên,NATO cho rằng các cuộc tập trận mô phỏng chiến tranh của Nga hồi tháng 9 với quy mô hàng chục ngàn quân sát sườn đông liên minh là một lý do thúc giục NATO phải chuẩn bị tốt hơn đối phó Nga.
Theo nhiều quan chức NATO, Nga thời gian gần đây tăng tuần tra hàng hải ở biển Đen, Bắc Đại Tây Dương, Bắc Cực và triển khai nhiều tàu ngầm.