Hồi đầu tháng 5 vừa qua, sau vụ thử tên lửa hành trình cuối cùng ở biển Baltic, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tàu ngầm Krasnodar của nước này sẽ vượt Địa Trung Hải để hội quân cùng các tàu của Hạm đội biển Đen tại quân cảng Sevastopol ở Ukraine. Biết được thông tin này, Mỹ cùng các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã giăng sẵn một hạm đội tàu chiến cùng các máy bay săn ngầm để theo dõi con “chiến mã” của Nga.
Màn dạo đầu thuận lợi
Nếu xuất phát từ biển Baltic, các tàu buộc phải di chuyển qua vùng biển Bắc (ngoài khơi nước Anh), ra Đại Tây Dương, sau đó băng qua eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải thì cuối cùng mới tới được biển Đen. Cuộc rượt đuổi này đã được các quan chức hải quân Mỹ và NATO tiết lộ với tờ Wall Street Journal.
Di chuyển từ điểm xuất phát trên, tàu ngầm Nga thời điểm đó trồi lên mặt nước với một tàu lai dắt dẫn đường. Khai màn trò chơi mèo đuổi chuột, lực lượng hải quân NATO đã cử một tàu khu trục cỡ nhỏ của Hà Lan bám theo tàu ngầm Krasnodar. Trong quá trình theo dõi, tàu này đã điều một trực thăng NH-90 đi chụp ảnh tàu ngầm Nga ở biển Bắc và đăng lên mạng Twitter.
Khi Krasnodar đến eo biển Gibraltar, Mỹ ngày 13-5 liền triển khai một tàu tuần dương để theo dõi tàu ngầm này đi vào sâu bên trong Địa Trung Hải. Máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ cũng rời căn cứ không quân ở Sigonella (Ý) để cùng bám theo tàu ngầm Nga. Trong quá trình di chuyển về hướng Đông, Krasnodar đã tổ chức tập trận ngoài khơi vùng biển Libya.
Chông gai hơn tưởng tượng
Tuy nhiên, sau khi con “chiến mã” của Nga vào sâu trong Địa Trung Hải, chiếc tàu ngầm được NATO mệnh danh là “hố đen vũ trụ” đã lặn sâu xuống biển biệt tăm biệt tích. Đây cũng là lúc Mỹ vất vả với cuộc săn tìm tàu ngầm Nga.
Trong một động thái khiến Mỹ ngỡ ngàng, tàu ngầm này sau đó phóng một loạt tên lửa hành trình vào lãnh thổ Syria mà Mỹ không hề phát hiện được. Trong thông cáo phát đi ngày 29-5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Krasnodar đã nhắm trúng và tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần TP Palmyra của Syria.
Tàu ngầm chạy bằng diesel-điện Krasnodar của Nga cập cảng Sevastopol ở biển Đen hôm 9-8. Ảnh: REUTERS
Trước bối cảnh căng thẳng giữa quân đội Mỹ và Nga ở Syria cùng câu chuyện tàu ngầm Krasnodar chạy bằng điện-diesel đang lẩn trốn sự theo dõi của phương Tây, tàu sân bay USS George H.W. Bush của hải quân Mỹ lúc bấy giờ buộc phải gánh thêm một nhiệm vụ khác. Đó là truy lùng chiếc tàu ngầm Nga để biết rõ hơn về các chiến thuật, kỹ thuật cùng khả năng tác chiến của nó.
Sau khi tàu sân bay Mỹ băng qua kênh đào Suez và đi vào Địa Trung Hải vào ngày 5-6, một cuộc săn đuổi gay cấn đã được Mỹ khởi động. Đồng loạt tàu sân bay USS George H.W. Bush, năm tàu chiến hộ tống, trực thăng MH-60R Seahawk cùng các máy bay săn ngầm P-8 Poseidon được điều động rượt theo con “chiến mã” của Nga. Trong nhiều ngày liền của tháng 6, các trực thăng MH-60R Seahawk và khu trục hạm ở Đông Địa Trung Hải đã dùng radar để dò tín hiệu của tàu ngầm Krasnodar. Các cột sonar dò tìm cũng được thả xuống những mực nước sâu khác nhau.
Đến ngày 18-6, sau khi Mỹ bắn hạ chiếc chiến đấu cơ Sukhoi của Syria vì bất chấp cảnh báo, Nga dọa sẽ bắn rơi các máy bay Mỹ trong không phận Tây Syria. Năm ngày sau, tàu ngầm Krasnodar từ dưới biển lại bất ngờ phóng loạt tên lửa hành trình khác trúng một kho đạn của IS. Chuẩn đô đốc Kenneth Whitesell, chỉ huy cụm tàu sân bay tấn công Bush của hải quân Mỹ, lúc bấy giờ phải thốt lên rằng: “Họ đang phô trương cơ bắp”.
Đến ngày 30-7, Krasnodar mới trồi lên mặt nước ở Địa Trung Hải. Tàu ngầm Nga sau đó cập cảng ở TP Tartus (Syria) trùng với kỷ niệm ngày hải quân Nga, kết thúc trò chơi trốn tìm với tàu sân bay Bush. Ngày 9-8, tàu ngầm Nga tới Crimea để gia nhập Hạm đội biển Đen. Còn tàu sân bay Mỹ, sau khi tiến hành các hoạt động khác như tập trận chiến binh Saxon với Anh, đã trở về cảng ở Norfolk, bang Virginia vào ngày 21-8.
Lời cảnh báo cho NATO
Wall Street Journal nhận định chính “sự hồi sinh” không được mong muốn bên trong chương trình tàu ngầm Nga đã khơi lại cuộc đối đầu dưới biển giữa Mỹ và Liên Xô vào Chiến tranh lạnh. Thời điểm đó, hai bên đã triển khai các hạm đội tàu ngầm tấn công để săn tàu ngầm của đối thủ đang mang những tên lửa đạn đạo được trang bị hạt nhân. Tờ báo gọi Krasnodar của Nga là “tàu ngầm ma”.
Mặc dù radar của hải quân Mỹ đặt trên các tàu chiến, trực thăng và chiến đấu cơ có thể dò ra những vật nhỏ như kính tiềm vọng của tàu ngầm. Hơn nữa, tàu sân bay Bush còn có ba nhà hải dương học chống ngầm của hải quân Mỹ để giúp dò tìm con “chiến mã” của Nga vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chiến dịch trên đã cho thấy vô cùng khó khăn và chiến thắng thuộc về phía Nga. Khi lặn dưới mặt nước, các tàu ngầm chỉ bị phát hiện thông qua âm thanh chứ không thể nhìn trực tiếp. Và Nga tự tin các tàu ngầm của nước này thuộc hàng phẳng lặng nhất thế giới.
Tàu ngầm Krasnodar của Moscow sở hữu một lớp vỏ hút tiếng ồn cực tốt để thoát khỏi hệ thống định vị sonar của kẻ thù. Hệ thống đẩy phản lực của tàu ngầm này lại được trang bị bộ giảm âm, trong khi hệ thống pin tái nạp giúp vận hành tàu ngầm trong gần như im lặng. Cái tên “hố đen vũ trụ” mà Mỹ dùng để gọi Krasnodar cũng cho thấy việc phát hiện âm thanh của tàu ngầm này khó đến mức nào. “Khi bạn khắc phục được yếu tố tiếng ồn và cải thiện năng lực di chuyển mượt mà hơn dưới nước của các tàu ngầm, việc săn tìm của các đối thủ sẽ trở nên khó khăn hơn” - Đại tá hải quân Benjamin Nicholson, người phụ trách Liên đội tàu khu trục 22 (DESRON 22) của Mỹ, nhận định.
Tàu ngầm Krasnodar được thiết kế hoạt động gần bờ, vô hình trước đối phương và có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hơn 2.570 km bằng tên lửa. Hơn nữa, vùng biển nằm ở phía Nam của đảo quốc Cyprus ở Địa Trung Hải đã cung cấp cho tàu ngầm Nga nhiều địa điểm để lẩn trốn trong trò chơi mèo đuổi chuột trên. Ngoài ra, việc phát hiện một tàu ngầm chạy bằng pin năng lượng là vô cùng khó. Và pin năng lượng của tàu ngầm Krasnodar có thể kéo dài được trong bao lâu trước khi sạc lại đến nay vẫn là ẩn số.
Một nghiên cứu của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS, Mỹ) trong năm nay đã gióng hồi chuông cảnh báo cho các nhà lãnh đạo NATO: Mỹ và các đồng minh hiện không sẵn sàng cho một cuộc xung đột dưới biển với Nga. Các quan chức cấp cao NATO nói rằng NATO phải cân nhắc đầu tư mạnh tay cho công nghệ tàu ngầm và săn ngầm của liên minh quân sự này. Mặc dù chiếc Krasnodar có thể không thách thức được một tàu sân bay nhưng Phó Đề đốc Bill Ellis, chỉ huy Biệt đội máy bay săn ngầm 67 của Mỹ tại châu Âu, nhận định: “Một tàu ngầm nhỏ cũng có khả năng đe dọa một khối tài sản lớn như tàu sân bay”. Một thách thức khác mà Mỹ và các đồng minh hiện đối mặt chính là cuộc cạnh tranh khách hàng với Nga khi mà Trung Quốc, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác đã tin tưởng đặt mua tàu ngầm của Moscow.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chương trình phát triển tàu ngầm của Moscow không được chú trọng đầu tư như trước. Mãi tới năm 2011 Nga mới công bố chương trình hiện đại hóa quân sự, trong đó có đổ tiền vào chương trình tàu ngầm. Nhờ đó các kỹ sư Nga bắt đầu nghiên cứu các thiết kế tàu ngầm mới hơn và ít tiếng ồn hơn. Khi tàu ngầm Krasnodar được đóng hoàn thiện vào năm 2015 tại xưởng Admiralty Shipyards ở TP St. Petersburg, Nga tuyên bố tàu ngầm nước này có thể thoát khỏi hệ thống săn tìm sonar tiên tiến nhất của phương Tây. Theo Diplomat, Nga hiện có lớp tàu ngầm tấn công Yasen chạy bằng hạt nhân, hiện đại hơn cả chiếc Krasnodar. Đây được gọi là siêu tàu ngầm phẳng lặng vì được đóng bằng thép ít nhiễm từ trường. Các nhà hoạch định chính sách NATO lo ngại rằng trong một cuộc khủng hoảng, tàu ngầm Nga có thể cắt đứt hệ thống cáp thông tin liên lạc băng Đại Tây Dương hoặc ngăn tàu Mỹ tiếp cận châu Âu như Đức quốc xã từng làm trong Thế chiến 2. |