Triều Tiên không có khả năng đóng góp phần chi phí năm 2018 của mình trong Liên Hiệp Quốc (LHQ) này, phái bộ Triều Tiên tại LHQ tuyên bố ngày 9-2.
Trong tuyên bố, phái bộ Triều Tiên cho rằng các lệnh trừng phạt đã ngăn Triều Tiên “thực hiện nghĩa vụ là một thành viên LHQ”, cho thấy tính tàn nhẫn và không văn minh của các lệnh trừng phạt. Triều Tiên chỉ trích nếu nước này không thể đóng góp cho LHQ theo nghĩa vụ, thì rõ ràng lỗi nằm ở Mỹ và các nước ủng hộ Mỹ.
Trước đó cùng ngày, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song-nam đã gặp Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách quản lý Jan Beagle, nhờ giúp duy trì hoạt động kênh giao dịch ngân hàng để Triều Tiên có thể nộp được khoản chi phí 2018 gần 184.000 USD mà nước này nợ LHQ.
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song-nam (hàng đầu) trong một cuộc họp cấp bộ trưởng HĐBA LHQ ngày 15-12-2017, bàn về các vấn đề hạt nhân tên lửa Triều Tiên. Ảnh: AP
Ngân hàng Thương mại Nước ngoài, ngân hàng hối đoái hàng đầu của Triều Tiên đang chịu trừng phạt từ Mỹ (từ 2013) và LHQ (từ 2017).
Từ năm 2016 đến nay Hội đồng Bảo an LHQ liên tục trừng phạt Triều Tiên liên quan các chương trình hạt nhân-tên lửa nước này. Trong ngày 9-2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt nặng Triều Tiên cũng như bảo lưu mọi phương án cần thiết trong đối phó Triều Tiên.
Các nước thành viên LHQ có bổn phận đóng góp vào ngân sách LHQ để chi cho hoạt động LHQ, cho lực lượng gìn giữ hòa bình, cho các tòa án quốc tế.
Theo Hiến chương LHQ, các nước thành viên nợ tiền đóng góp 2 năm liên tục có thể mất quyền bỏ phiếu trong khuôn khổ Đại Hội đồng LHQ. Tuy nhiên điều này có thể được Đại Hội đồng xem xét lại nếu nước này có thể chứng minh được không thể kiểm soát được lý do dẫn tới không có tiền để đóng góp.
Trang web LHQ ngày 28-1 cho biết có 12 nước đã nợ tiền đóng góp hơn 2 năm. 8/12 nước này - trong đó có Libya, Yemen, Venezuela – đã mất quyền bỏ phiếu ở Đại Hội đồng LHQ.